Trong nền điện ảnh hiện đại, “Vũ trụ Điện Ảnh” đã trở thành một khái niệm vô cùng quen thuộc. Có thể nói rằng, chính Marvel là người tiên phong trong trào lưu này khi đạt được những thành công vô cùng lớn với các bộ phim trong MCU (tổng doanh thu 10 tỷ USD trên toàn cầu chỉ trong vòng 10 năm và vẫn tiếp tục tăng). Chính vì vậy, không hề khó hiểu khi các hãng phim khác cũng đua nhau xây dựng riêng một vũ trụ điện ảnh cho mình. Nhưng trong số đó, có lẽ khó hãng phim nào có thể khởi động vũ trụ của mình một cách lúng túng như những gì Universal đã làm với The Mummy.
Trên thực tế, tất cả những thứ của The Mummy, từ concept, cách khởi đầu, tiếp cận, phát triển và mở rộng cho Dark Universe đều bị chệch hướng. Nhiều người nói đùa rằng, nếu nhìn vào The Mummy thì người xem đã có biết được chính xác những điều không nên làm để khởi đầu một Vũ Trụ Điện Ảnh. Rõ ràng là rất nhiều người đã được truyền cảm hứng từ những thành công mà MCU đạt được, do đó chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều nỗ lực của các hãng phim khác nhau trong việc tạo nên những vũ trụ điện ảnh như Vũ trụ điện ảnh DC, Vũ trụ điện ảnh Sony, Vũ trụ Quái Vật, Vũ trụ Transformers… Nhưng chúng ta có thể thấy, phần lớn những cái tên kể trên đều được sản xuất dựa trên truyện tranh, còn Universal lại không hề có giấy phép và quyền sử dụng với cái tên của mình như Marvel hay DC, vì vậy họ phải đổi nó sang một cái tên khác rất chung chung là Quái Vật.
Vào những năm 1930, các hãng phim thường đơn giản những tựa phim của mình đặt theo những cái tên cổ điển như Dracula, Frankenstein, The Wolf Man… Và theo thời gian, chúng bắt đầu giao hoà với nhau, tạo nên một dạng như là vũ trụ chung. Universal đã và đang hành động khá thông minh trong những năm gần đây. Họ đưa thương hiệu lớn như Jurassic Park trở lại, biến Fast & Furious trở thành một hiện tượng điện ảnh toàn cầu và tạo ra những bộ phim kinh dị được đánh giá là xuất sắc nhất thông qua hãng phim Blumhouse. Và chính vì thế, quyết định tạo ra Dark Universe xem chừng rất hợp lý. Tuy nhiên, cách mà họ thực sự hành động để tạo ra nó thì lại thực sự sai lầm.
Cái mà những bộ phim mang tính chất quyết định – mở đường cho một franchise (hoặc vũ trụ điện ảnh) không làm được chính là khơi gợi thích thú, hào hứng, tò mò của khán giả một cách tốt nhất cho những bộ phim tiếp theo. Có quá nhiều tác phẩm đã và đang cố gắng một cách tuyệt vọng để “nhử” cho người xem những thông tin về các cuộc phiêu lưu tiếp theo, họ cứ cố gắng để vẽ ra những viễn cảnh tuyệt vời về tương lai mà quên mất điều quan trọng nhất là làm tốt tác phẩm hiện tại để tạo cho khán giả cảm giác muốn quay trở lại lần nữa.
Ví dụ, Iron Man chính là bộ phim khởi nguồn của MCU, nhưng chính bộ phim này lại là một tác phẩm được làm rất chắc tay và có thể đứng độc lập hoàn toàn với các bộ phim còn lại. “Mồi nhử” duy nhất trong Iron Man dành cho phim sau là câu nói “Next time baby” (Hẹn gặp lại sau) của nhân vật Rhodey cùng với cảnh post-credits về Avengers. Chính vì vậy mà nhữung chi tiết này không hề làm gián đoạn, ảnh hưởng gì đến cốt truyện và chất lượng của tác phẩm. Những ví dụ khác là Man of Steel của DC và Godzilla của Universal. Cả hai bộ phim đều được sản xuất từ trước khi có bất kỳ kế hoạch nào về Vũ trụ điện ảnh. Hãy chứng minh năng lực của bản thân, sau đó hãy mở rộng. Đó chính là lý do tại sao sau bộ phim The Amazing Spider-Man 2 thì Sony đã phải chia sẻ với Marvel quyền sử dụng hình ảnh Người Nhện và tạm dừng kế hoạch về nhân vật Venom.
The Mummy tạo cho khán giả cảm giác cả bộ phim chỉ là một buổi công chiếu đặc biệt cho một TV show như Once Upon A Time khi quy tụ cả tá nhân vật mang tính biểu tượng chứ không tập trung vào nội dung chính. Về cơ bản là chúng ta có Tom Cruise đang chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu thú vị hơn (dựa vào cái kết mở của phim) và cùng với đó là cả mớ kết cấu lộn xộn xoay quanh Dr.Jekyll và những bí mật đen tối mà ông ta hang nghiên cứu và che giấu. Còn thứ đúng ra là chủ đề chính của phim – Xác ướp – lại chỉ là mối quan tâm thứ yếu của các nhà làm phim, cô ta chả thể hiện được gì nhiều ngoài vài cảnh hành động, bão cát, bị bắt và tra tấn…
Dù sao, đây cũng không phải là một bất ngờ gì lắm. Dựa vào những đoạn quảng cáo, clip, trailer được tung ra trước để “nhá hàng” đều tập trung vào tổ chức Prodigium, trong đó nhân vật Jekyll còn thể hiện được nhiều điều thú vị hơn cảnh máy bay rơi và sự hồi sinh bất ngờ của Tom Cruise. Không chỉ vậy, những phân đoạn có chứa Easter eggs của những bộ phim sau đã “ngốn” quá nhiều thời lượng phim. Mọi thứ đẩy lên đến đỉnh điểm khi Universal bất ngờ thông báo tên của toàn thương hiệu phim và xác nhận Johnny Depp sẽ vào vai The Invisible Man và Javier Bardem vào vai Frankenstein chỉ vài tuần trước khi The Mummy công chiếu. Một số người sẽ cho rằng điều đó minh chứng sự tự tin của nhà sản xuất vào bộ phim, nhưng khi nhìn vào phản ứng trên thị trường phòng vé thì lại giống như là họ đang cố gắng vớt vát sự chú ý với lời hứa hẹn tương lai vậy.
Vũ Trụ Quái Vật là một sai lầm về mặt kinh tế. “Hãy ra rạp xem The Mummy đi vì bạn muốn xem Bride of Frankenstein mà” – nhà sản xuất như đang gào thét vào mặt người xem điều đó xuyên suốt The Mummy. Và với tình trạng khởi đầu như này, nếu nhà sản xuất muốn gây dựng lại niềm tin và thu hút khán giả tiếp tục xem những bộ phim trong Dark Universe thì những bộ phim sau sẽ không phải chỉ tốt hơn the Mummy, mà là tốt hơn rất nhiều.
The Mummy hiện đang được chiếu tại các rạp chiếu phim từ 9/6/2017.
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNGRapchieuphim team
Cách chúng tôi đánh giá một bộ phim:Alex Kurtzman
: Tom Cruise, Annabelle Wallis, Sofia Boutella
: 120 phút
: Hành Động, Khoa Học Viễn Tưởng, Phiêu Lưu, Giả Tưởng, Viễn Tưởng
: 09/06/17 tại Việt Nam
Bình luận (0)