Mới đây, bom tấn Justice League đã chính thức ra mắt trên toàn thế giới và làm cho nhiều khán giả vô cùng hoang mang vì không biết rằng liệu bộ phim có thực sự đáng xem hay không khi ý kiến của các nhà phê bình cứ liên tục “đập nhau chan chát”. Còn đối với riêng mình, tôi thấy bộ phim này không hay cũng không dở, mà chỉ có thể tóm gọn bằng một từ: Tạm được.

 

Như chúng ta đã biết, Justice League được coi là phần tiếp theo, có vai trò viết tiếp câu chuyện còn đang dang dở trong Batman V Superman: Dawn of Justice. Thế nhưng, trái với người tiền nhiệm, cột truyện của Justice League lại cực kỳ đơn giản. Cả phim chỉ xoay quanh sự kiện "Kẻ hủy diệt các thế giới" Steppenwolf cùng binh đoàn quỷ Parademons kéo xuống Trái đất với mục đích tìm lại 3 Mother Box nhằm thôn tính luôn cả hành tinh. Đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc này, Batman cùng Wonder Woman phải cất công lên đường tìm kiếm những người có sức mạnh siêu phàm khác như Flash, Cyborg và Aquaman và tập hợp họ lại thành một đội để tiêu diệt Steppenwolf .

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-1

Dù nội dung có phần đơn giản nhưng Justice League đã để lại cho khán giả rất nhiều chuyện khác để bàn về chất lượng của mình.

Đầu tiên là sự thay đổi rõ rệt trong phong cách kể chuyện, xây dựng kịch bản, màu sắc và những tư tưởng đạo lý mà nhà sản xuất đã lồng ghép vào phim. Có lẽ sau thất bại cay đắng khi cố tạo ra một câu chuyện lắt léo và bao hàm nhiều mạch truyện ngầm như Batman V Superman, lần này Zack Snyder cùng ekip chuyển hướng sang một sự lựa chọn có vẻ rất an toàn là thực hiện một bộ phim siêu anh hùng có nội dung đơn giản, giải trí, dễ xem – dễ hiểu, lồng ghép nhiều tình huống hài hước cùng với tông màu tươi sáng cùng với cách kể chuyện “thẳng đuột” từ đầu đến cuối.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-2

Thoạt đầu nghe thì có vẻ như những điều trên đã làm DC đã mất hết đi chất riêng của mình và bắt đầu chuyển sang hướng đi giống như đối thủ Marvel. Thế nhưng không, thực sự DC đã làm rất tốt trong việc “vẩy” thêm một chút sắc màu tươi sáng hơn lên một bức tranh thấm đẫm sự đen tối mà họ vẫn cất công xây dựng bao lâu nay. Vẫn là những góc quay cùng những hình ảnh đầy ẩn ý, vẫn là những triết lý nhân văn ẩn dưới những câu thoại có chiều sâu thế nhưng trong Justice League, mọi thứ đều đã được giảm nhẹ để giúp khán giả đại chúng dễ thấm hơn.

Tuy nhiên, đó là điểm cộng và cũng lại là một điểm trừ của bộ phim. Các nhà sản xuất mong muốn biến Justice League trở thành một tác phẩm dung hoà được cả hai yếu tố giải trí và nghệ thuật, song họ lại chỉ đưa mỗi thứ vào một chút chứ không thể khiến chúng trở nên thực sự sắc nét, đậm đà, nổi trội. Diễn biến phim quá dễ đoán, không có bất cứ chi tiết nào có thể khiến người xem ồ lên bất ngờ. Và chính điều này đã khiến bộ phim vô tình khoác lên mình một tấm áo nhàn nhạt: không đẹp, không xấu và cũng không có luôn cả ấn tượng.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-3

Được biết, thời lượng ban đầu của Justice League lên tới 3 tiếng đồng hồ, tuy nhiên Warner Bros. dường như đã rút ra kinh nghiệm từ Batman V Superman nên đã chỉ thị cho ekip làm phim phải cắt ngắn xuống còn 2 tiếng. Vậy nên thành phẩm cho ra chính là một bộ phim có thời lượng tương đối ngắn so với dàn nhân vật đồ sộ của nó, kéo dài tổng cộng 121 phút bao gồm cả đoạn credits. Dù vấn đề giới thiệu nhân vật được nhà làm phim giải quyết khá gọn ghẽ và dễ hiểu ngay cả với những người không phải fan hâm mộ DC, thế nhưng đối với một tác phẩm có kịch bản yêu cầu các nhân vật vừa phải tìm kiếm lẫn nhau, vừa đi tập hợp từng người, vừa phải giải thích nguồn gốc của những nhân vật mới xuất hiện và vừa phải đánh nhau một (vài) trận “long trời lở đất” thì hệ quả hiển nhiên là các nhân vật chính sẽ không có đủ đất diễn để phát triển nội tâm một cách sâu sắc, thuyết phục, đồng thời còn mang lại cho khán giả một cảm giác gấp gáp và thậm chí là khá “cụt ngủn”.

Song, điều này không có nghĩa là các nhân vật trong Justice League đều mờ nhạt, ngược lại họ vẫn đem tới được ấn tượng cho người xem, dù không thực sự sâu sắc.

Về Batman, trong phần phim này ta không còn được chứng kiến một Bruce Wayne đầy ngạo nghễ, tự tin nữa mà thay vào đó là cảm giác mặc cảm, tội lỗi và luôn dằn vặt bản thân mình vì cái chết của Superman. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhân vật này lại khá ít đất diễn nên đã tỏ ra  tương đối mờ nhạt so với những thành viên khác. Thậm chí, đối với những khán giả chưa hiểu rõ về Batman từ phần phim trước thì họ còn có thể cảm thấy Bruce Wayne chẳng có gì đặc biệt và không hơn gì một ông già xấu tính, ủ dột và yếu nhất đội. Và đây cũng chính là một trong những điểm đáng thất vọng nhất của Justice League khi xây dựng nên một Batman không hề bản lĩnh được kỳ vọng của các fan hâm mộ.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-4

Diana Prince – chị vẫn mạnh, vẫn đẹp, vẫn hớp hồn khán giả mỗi lần xuất hiện nhưng đã không còn là một cô gái ngây thơ trước sự hỗn loạn của thời cuộc. Từ Wonder Woman cho tới Justice League, ta có thể thấy sự chuyển biến rõ rệt trong tâm lý của nhân vật này: trưởng thành hơn, trầm lặng hơn, khép mình hơn và cũng đã bắt đầu có nhiều toan tính, lo xa hơn là chỉ có chăm chăm vác kiếm đi đánh nhau như trước.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-6

Bên cạnh Wonder Woman thì Cyborg cũng là một nhân vật có chiều sâu nhất trong cả dàn nhân vật chính. Cyborg là người duy nhất trong cả nhóm phải trả một cái giá rất đắt để đổi lấy được sức mạnh, cho dù anh không hề muốn điều đó. Từng ngày thức dậy và đối mặt với một cơ thể không còn là của mình, mang một thứ sức mạnh mà chính mình còn không thể kiềm chế - nội tâm của Cyborg không khác gì một quả bom hẹn giờ chỉ trực chờ “phát nổ” theo những phần phim tiếp theo. Bên cạnh đó, Cyborg cũng là người có vai trò cực kỳ quan trọng đối với diễn biết bộ phim, và điều này đã khiến anh trở nên cực kỳ nổi bật.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-7

Barry Allen, hay còn được biết đến là Flash đã có một màn ra quân cực ấn tượng và đáng yêu khi phải đến 90% số tình tiết hài hước trong Justice League là thuộc về nhân vật này. Ngoài ra sức mạnh của Barry cũng được thể hiện vừa phải, đủ để tạo ra được một vai trò khá quan trọng trong phim, vừa chừa lại được khá nhiều thứ để tiếp tục phát triển trong Flashpoint sắp tới.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-8

Aquaman là một nỗi thất vọng lớn thứ hai sau Batman. Với tạo hình cực ngầu cùng cách ăn nói hài hước, “bá đạo”, Aquaman có lẽ sẽ lấy được nhiều cảm tình của người xem hơn nếu sức mạnh và vai trò của anh không mờ nhạt như thế. Nếu Batman là người có công tập hợp tất cả mọi người và vạch ra chiến lược chiến đấu, Wonder Woman lo phần sức mạnh cơ bắp và dung hoà cả đội, Flash là giải cứu đồng thời là “cây hài” thực thụ, Cyborg đảm nhiệm việc tìm kiếm và kỹ thuật, thậm chí chiến đấu cũng cực “bá” thì Aquaman có vai trò là gì? Chẳng lẽ là dũng sỹ chuyên đi tiêu diệt mấy con “bọ có cánh”?

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-9

Bên cạnh đó, ai cũng biết về việc Superman sẽ quay lại trong Justice League nhưng chi tiết đắt giá nhất là cách thức khiến anh có thể hồi sinh thì lại được giữ kín tuỵệt đối, và đúng là nhà sản xuất đã có một quyết định vô cùng đúng đắn vì quả thực phân đoạn này quá hấp dẫn, quá tuyệt vời. Thế nhưng, ở chiều hướng ngược lại thì nhân vật phản diện Steppenwolf lại mang đến một nỗi thất vọng toàn tập trên mọi phương diện mà nếu để phân tích ra hết thì có lẽ bài viết này sẽ dài không kém cuộc hành trình hàng ngàn năm tìm kiếm Mother Box của hắn.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-10

Mặt hành động và kỹ xảo thì có lẽ không còn phải bàn cãi nhiều vì Justice League đã làm khá tốt khi sở hữu những màn chiến đấu cực kỳ hoành tráng, đã mắt. Không chỉ vậy, các pha hành động của phim không chỉ đơn thuần chỉ là những màn đánh nhau theo kiểu “thân ai nấy lo” mà còn có được sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả đội, thể hiện đúng tinh thần là một “liên minh” chứ không đơn thuần là các siêu anh hùng đơn lẻ đứng lại cùng nhau. Tuy nhiên, điều khiến cho yếu tố hành động của phim không thể làm cho người xem thực sự thoả mãn là do phần nhạc nền cực kỳ nhạt nhoà, và đáng tiếc, chính những phân cảnh chiến đấu cao trào nhất lại là phần có âm nhạc tầm thường nhất.

Dù không thực sự gây ấn tượng cho khán giả trung lập nhưng DC lại rất biết cách chiều lòng các fan hâm mộ trung thành của mình với hàng loạt các easter eggs cực “đã”, trong đó phải kể đến sự xuất hiện chớp nhoáng của Green Lantern – nhưng lại không phải một phiên bản Green Lantern mà chúng ta vẫn mong chờ. Ngoài ra, phim còn có 2 đoạn after-credits, trong đó đoạn thứ hai có thể khiến bất cứ người hâm mộ nào của DC cũng phải hú hét điên cuồng ngay trong rạp.

review-justice-league-noi-do-thi-khong-no-nhung-noi-hay-lai-khong-danh-11

Justice League là một câu chuyện đơn giản, song những yếu tố để cấu thành nó lại rất phức tạp khi mặt nào cũng có điểm cộng và điểm trừ riêng. Thế nhưng, như đã nói ở trên, đáng tiếc đây lại là một tác phẩm quá nhạt nhoà để có thể khiến người ta phải cảm thán, phải ấn tượng và ca ngợi không dứt.

Justice League hiện đang được công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc từ ngày 17/11/2017.

Trailer của bộ phim:

5 / 5 ( 212 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG