Rạp Chiếu Phim muốn nhắc trước các bạn khán giả rằng, phim Kiều của Mai Thu Huyền được lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nguyễn Du, chứ không khai thác từ nguyên gốc. Thế nên, mọi sự cải biên đều có ý đồ hết. Nhưng đáng tiếc, những dụng ý nghệ thuật này khai thác một cách “nửa vời” và chưa “tới bến”.


Đánh giá về nội dung phim

Cốt truyện chính của phim xoay quanh “tam giác” drama là Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư. Một vài nhân vật phụ khác được giữ nguyên như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Đạm Tiên. Các nhân vật sáng tạo thêm gồm: Hiền Bá, Hoạn Bà, Thị Liên. Đến ngay cả cách gọi nữ chính cũng không bao giờ nhắc tới Thuý Kiều, mà chỉ gọi là Kiều như ẩn ý của sự cải biên.

Kiều “bán mình chuộc cha” nhưng chỉ vái lạy tấm lưng của họ. Khán giả cũng không biết mặt mũi những thành viên khác của nhà họ Vương như thế nào.

Kiều vào chốn lầu xanh nhưng cũng không biết đây là đâu và nghĩ rằng mình… đang đến nhà chồng. Sự ngây thơ của Kiều có lẽ phần nào được chắp nối từ kịch bản mang quá nhiều màu sắc hiện đại.

Vì thiếu mất nhân vật Kim Trọng nên Thúc Sinh trở thành mối tình đầu của Kiều, theo kiểu “tình yêu sét đánh”. Thúc Sinh “biến hoá” từ thư sinh chuyển sang hiệp sĩ võ nghệ cao cường. Càng về sau, tạo hình của anh càng giống với Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp.

Mối tình “tiểu tam” quá quen thuộc khi lướt mạng xã hội thời nay đã “ám” vào các nhân vật của chúng ta, khiến họ nảy sinh ra tình huống rình mò vụng trộm, trả thù ghen tuông xuyên suốt thời lượng của phim.

Nhân vật được “sáng tạo quá tay” nhất là Đạm Tiên của nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất Mai Thu Huyền. Không chỉ còn là một linh hồn biết ơn đơn thuần Kiều vì nén nhang thắp trên mộ hoang, Đạm Tiên như một “nữ siêu anh hùng” bênh vực phụ nữ yếu ớt, ra tay trừng trị bất kỳ gã nam nhân nào dám xâm hại đến Kiều. Mới đầu, cứ tưởng đây là sự cài cắm mang ý nghĩa nữ quyền nhưng thực chất, hình ảnh của Đạm Tiên tương đồng với cách xây dựng Xian Lang (Phù thuỷ Chim ưng) trong Mulan. Nhiều khán giả tinh ý có thể “đẩy thuyền” với màn tình ý kỳ lạ giữa Đạm Tiên và Kiều.

Mỗi người phụ nữ đều có nỗi khổ của mình, dù nạn nhân hay kẻ gây ra mọi chuyện. Nhưng cách tạo nên các “nút thắt”, “mở thắt” của phim rất dễ đoán và gây cười cho khán giả.

Hình ảnh các nam nhân trong phim cũng không khá khẩm hơn. Thúc Sinh lưỡng lự bên nghĩa bên tình nhưng nhìn kỹ lại là người đàn ông nhu nhược, gian dối. Hiền Bá vì khao khát “gái trinh” mà liên tục trở thành kẻ giết người.

Đánh giá về diễn viên và diễn xuất

Cặp đôi Kiều – Thúc Sinh do Mỹ Duyên và Lê Anh Huy thủ vai đều lần đầu “chạm ngõ” điện ảnh. Diễn xuất của họ chỉ dừng ở mức trung bình. Với những phân đoạn “chỉ cần đẹp thôi” là đủ, họ hoàn toàn nắm ưu thế. Nhưng đến các phân đoạn cần bộc lộ nội tâm nhân vật, họ tỏ ra lúng túng và lặp lại biểu cảm diễn xuất liên tục một cách miễn cưỡng và nhạt nhoà.

Với Mỹ Duyên, mỗi khi gảy đàn trông còn hơi lóng ngóng nhưng nhờ nhan sắc đã kéo lại tất cả.

Phim có khá nhiều cảnh nóng giữa Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư mang tính “câu khách” nhiều hơn có ý tứ nghệ thuật.

Điểm khen về diễn xuất lại dành cho tuyến nhân vật phụ. Lê Khanh trở thành Hoạn Bà sắc sảo và mưu mô. Hiền Bá là một phản diện độc ác nhưng tạo hình của anh lại khiến khán giả thư giãn và bật cười. Phương Thanh cũng gây bất ngờ với vai diễn Tú Bà, nhưng nếu cô dữ dội hơn, chắc hẳn phim sẽ gay cấn hơn nhiều.

Một số diễn viên miền Bắc xuất hiện trong phim, họ diễn xuất tạm ổn nhưng màn lồng tiếng chưa trọn vẹn khiến nhiều lúc khẩu hình còn thật sự khớp.

Đánh giá về âm thanh và hình ảnh

Điểm mạnh duy nhất của phim nằm ở cách quay phim và nhạc phim. Đoàn phim đã phải lặn lội đến nhiều danh lam thắng cảnh của nước nhà như Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị nên về mặt hình ảnh, phim sẽ khiến khán giả “đã mắt”.

Quay đẹp bao nhiêu thì khi dựng phim lại chưa thật sự hoàn hảo. Nhiều phân đoạn chuyển cảnh đột ngột và thiếu mượt mà. Màu phim cũng tươi sáng chưa thực sự phù hợp với bối cảnh cổ xưa.

Nhạc phim “Kiều Mệnh Khúc” do nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác và Bùi Lan Hương trình bày khiến khán giả mê mẩn. Câu từ của bài hát lấy cảm hứng từ chính thơ của Nguyễn Du. Bùi Lan Hương gần đây khá có duyên với nhạc phim Việt và được mệnh danh là “nàng thơ nhạc phim Việt”.

Tóm lại, Rạp Chiếu Phim cho rằng nếu bạn muốn xem Kiều với tâm thế giải trí và không quá khắt khe, phim đáp ứng nhu cầu thoả mãn về mặt thị giác. Nhưng nếu là người nghiêm túc coi trọng tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du, e rằng bạn sẽ đánh giá đây là bộ phim đủ sức “phá nát” hình mẫu nhân vật.

 

5 / 5 ( 276 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG