Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
Trước ngày công chiếu chính thức, Trạng Tí đã "nổi như cồn" với "một rổ" drama như tranh chấp bản quyền, phát ngôn gây sốc của ekip phim cùng tính phi logic của phim qua vài cảnh được hé lộ sớm...
Làn sóng tẩy chay Trạng Tí trở thành tiêu điểm trong cộng đồng mạng suốt một thời gian dài. Nhưng hãy cùng Rạp Chiếu Phim tạm gác những drama ngoài lề đó để nhìn nhận khách quan và đánh giá công tâm. Liệu Trạng Tí có đủ xứng đáng để trở thành bộ phim thiếu nhi Việt tuyệt vời nhất từ trước đến giờ hay không?
Đầu tiên, chúng ta cần xác định rõ Trạng Tí lấy cảm hứng từ Thần Đồng Đất Việt của tác giả Lê Linh nên việc sai khác so với nguyên tác là điều đương nhiên. Nhưng những sự thay đổi liều lĩnh đó lại con dao hai lưỡi. Mặt lợi là giúp ekip phim thoải mái sáng tạo theo ý của mình dựa trên một khung sườn có sẵn. Trạng Tí được tạo ra mang màu sắc hiện đại hơn, hợp thời với thị hiếu khán giả ưa chuộng phim ảnh theo công thức quốc tế hiện nay. Những tình tiết "học tập" từ phim của Disney, Pixar, thậm chí là Marvel, Harry Potter dễ dàng được nhận ra ngay. Nhưng tiếc thay, lợi chưa thấy đâu mà chỉ thấy hại. Chưa cần bạn là fan trung thành của Thần Đồng Đất Việt khi xem Trạng Tí dám chắc vẫn phải lắc đầu tặc lưỡi vì những thay đổi quá lố chưa thực sự phù hợp.
Làng Phan Thị trong Trạng Tí chỉ đẹp ở bên ngoài mà nông ở bên trong. Đẹp là nhờ lựa chọn bối cảnh theo chiều hướng quảng bá du lịch, thiết kế bối cảnh tạm ổn để khán giả hình dung về làng quê Việt, đầu tư quay phim đẹp ở từng khung hình trên dưới trái phải. Độ phủ sóng của flycam cứ gọi là "thẳng cánh cò bay".
Nhưng làng quê đẹp để làm chi khi ở đây chứa đựng toàn những tâm hồn xấu xí? Người dân Phan Thị chẳng chút yêu thương nhau. Không thấy quan lại hà hiếp dân nhưng làm quan mà chỉ toàn nhờ trẻ con giúp phá án thì đúng là "quan bù nhìn" thật rồi. Đẳng cấp giàu nghèo phân chia rõ rệt cũng là chuyện thường tình trong xã hội phong kiến nhưng cùng phận nghèo với nhau mà lại luôn xúm lại kỳ thị hai mẹ con Tí thật là hơi quá đáng. Dù biết "không chồng mà chừa" thời xưa xứng đáng để "cạo đầu bôi vôi" nhưng ít nhất theo lời mẹ Tí, vẫn có người này người kia. Vấn đề là nhà làm phim chẳng để cho khán giả thấy người tốt nào ở làng Phan Thị cả. Bọn trẻ con phải sang làng bên mới gặp một người phụ nữ cùng cảnh ngộ đồng cảm với mẹ con Tí.
Tuyến nhân vật quan trọng Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Mùi, Tị được cải biên với chất lượng không đồng đều. Nhân vật trung tâm là cậu bé Tí khó thuyết phục khán giả về độ thông minh qua những tình huống như đổ nước ruộng vào lòng giếng để lấy bóng bưởi, gián tiếp khiến bà Tám Tiền bị cả làng tát cho sưng mặt. Những tích truyện dân gian được chọn để cài cắm trong phim chưa đủ khiến khán giả cảm thấy "đã đời" vì chúng rất điển hình, quen thuộc đến nhàm chán, không mang tính thách đố khiến người xem dễ dàng đoán trước kết quả.
Diễn viên nhí Hữu Khang trong vai Trạng Tí so với các bạn diễn khác là người may mắn có nhiều "đất diễn" hơn nhưng lại có phần thể hiện "lép vế" hơn nếu đặt bên cạnh Dần, Mẹo, Mùi. Biểu cảm gương mặt và khả năng diễn xuất của em chưa thật sự tốt khiến cho nhiều phân đoạn thấy như em đang "trả bài" hơn là nhập tâm vào nhân vật.
Yếu tố kỳ ảo lớn nhất của phim nằm ở sự xuất hiện của Thần Hổ và hai vị thần Hộ Pháp Sinh - Tử. Cùng là nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, nếu so sánh với Tấm Cám - Chuyện chưa kể cũng mang tính thần tạo ra chất phiêu lưu kỳ ảo dựa trên CGI, Trạng Tí đã có bước tiến bộ. Nhưng CGI cấp độ này quả thật vẫn còn lạc hậu so với bạn bè quốc tế.
Tuy phim còn nhiều điểm chưa tốt, nhưng Rạp Chiếu Phim vẫn ghi nhận Trạng Tí có nỗ lực trong việc xây dựng kịch bản phim. Sự thành công này phần lớn nhờ vào sự tiếp thu công thức có sẵn mà bạn sẽ nhìn ra ngay nếu là fan của dòng phim hoạt hình Disney hoặc phim siêu anh hùng Marvel.
Tí mang tâm thế của một hình mẫu nhân vật "zero to hero". Mới nhìn, cứ tưởng Tí có trí thông minh trời phú là có tất cả. Nhưng không, cậu bé chật vật với tâm hồn thơ dại bị thử thách bởi "lời ong tiếng ve" từ "cái lồng" của định kiến xã hội. Cậu cũng có những giây phút nhỏ nhen, ghen tị, chưa nhìn ra tâm hồn thánh thiện của bạn bè. Cậu cũng có một hành trình đầy gian nan để tìm câu trả lời cho câu hỏi "Cha mình là ai" nhưng đến cuối không đạt được mục đích đó mà lại thu về bài học khác. Cậu chỉ trở thành một "hero" đích thực khi có một trái tim nhân hậu biết lắng nghe và yêu thương. Nhưng đáng tiếc, bài học quan trọng ấy không tạo ra cảm giác "vỡ òa" cho người xem vì những lời thoại lặp lại đã trải dài xuyên suốt qua "cửa miệng" của nhiều nhân vật phụ.
Sự dễ thương của Dần béo qua câu chuyện làm mất gà của mẹ, sự tinh ranh của Mẹo cùng sự "mít ướt bánh bèo" của Sửu đều khiến cho phim trở nên dễ mến hơn. Diễn xuất của các bé này tốt đến ngỡ ngàng. Từ ngoại hình đến tính cách của nhân vật đều được các bé nhập tâm xuất thần. Nhiều người lớn "tay ngang" đóng phim Việt phải học hỏi thái độ làm việc chuyên nghiệp này từ các diễn viên nhí.
Từ một Tiểu Tị hiền lành, dễ bị "sư hổ mang" bắt nạt như trong nguyên tác, Tiểu Tị trong Trạng Tí võ nghệ cao cường, xả thân vì nghĩa. Nhân vật Mùi mang thông điệp nữ quyền với cú twist siêu bất ngờ cũng là điểm nhấn trong Trạng Tí. Phản diện chính cũng hội tụ đủ chiều sâu và tính gây cười, khán giả vừa cảm thấy đáng ghét mà lại vẫn đáng thương.
Những bài học về lòng tốt với người xa lạ, thái độ cởi mở với người yếu thế và bài học về cách yêu thương người khác... đều được phim truyền tải rõ ràng, phù hợp với khán giả trẻ em nhưng với khán giả người lớn thì hơi "lộ bài" quá sớm.
Màu sắc Việt Nam trong phim chưa thực sự đậm nét dù đã nỗ lực trong việc xây dựng hình tượng Thần Hổ và hai vị Hộ Pháp. Bù lại, phân đoạn hoạt họa đầu phim khiến cho Trạng Tí trở nên gần gũi hơn với khán giả trẻ em.
Rạp Chiếu Phim nhận thấy đã lâu rồi điện ảnh Việt chưa có một bộ phim đúng nghĩa dành cho trẻ con. Trạng Tí trở thành lựa chọn an toàn cho phụ huynh dẫn trẻ đi xem tại rạp thời điểm này. Tuy phim có vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn là tác phẩm chắp vá từ nhiều ý tưởng ngoại lai và chưa đủ xuất sắc trở thành phim đột phá.
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNGRapchieuphim team
Cách chúng tôi đánh giá một bộ phim:Phan Gia Nhật Linh
: Huỳnh Hữu Khang, Phan Bảo Tiên, Vương Hoàng Long, Trần Đức Anh, NSƯT Trung Anh, NS Phi Phụng, NSƯT Quang Thắng, Hiếu Hiền, Oanh Kiều, Xuân Nghị và Hoàng Phi.
: 110 phút
: Tình Cảm, Phiêu Lưu, Thần Thoại
: 30/04/21 tại Việt Nam
:
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký
- Sau "Cậu Vàng" thì tiếp theo tới "Trạng Tí" bị tẩy chay, với một người yêu điện ảnh như mình thì đã cố bỏ qua các lùm xùm xung quanh để thưởng thức bộ phim.
• NỘI DUNG & ĐÁNH GIÁ PHIM:
Câu chuyện chính của phim kể về chuyến phiêu lưu của Tí, Sửu, Dần, Mẹo sau khi rời khỏi làng Phan Thị để tìm sự thật về cha của Tí là ai. Truyền thuyết Hai Hậu sinh ra Tí vì tựa vào cục đá nghe thật khó tin, nên Tí trở thành tâm điểm chọc phá và coi thường bởi những người xấu tính trong làng. Trên hành trình, bốn đứa trẻ nhiều lần gặp rắc rối, hiểu lầm, tai nạn. Và bất ngờ, bốn đứa trẻ lại bị sơn tặc bắt cóc và bị ép đối đầu trước một âm mưu không thể lường trước được. Nhưng nhờ những trải nghiệm và có bạn bè bên cạnh những lúc khó khăn đó, Tí dần hoàn thiện tính cách bản thân, bớt háo thắng và biết quan tâm đến người khác, hiểu rằng, cái lý đôi khi không quan trọng bằng cái tình mà con người ta dành cho nhau.
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký lấy cảm hứng thì bộ truyện Thần Đồng Đất Việt, nhưng thay đổi nhiều không bám sát nguyên tác, sáng tạo hơn và kỳ ảo hơn, sự sáng tạo này sẽ có người thích và người không thích. Mà lùm xùm về bản quyền rồi mà còn thay đổi quá nhiều thì không thích sẽ chiếm số đông.
Phim cũng dễ thương hài hước, có thông điệp ý nghĩa gia đình & tình bạn, nhưng những gì mà phim mang lại chỉ đủ với các em nhỏ, sau khi rời khỏi rạp thì mình thấy có mấy em tầm 10 tuổi đều khen phim hay, còn đối với người lớn thì sẽ thất vọng về nhiều mặt. Tình huống trong phim chưa thật sự đồng nhất, có nhiều chi tiết thiếu thuyết phục, cái mà gây tranh cãi nhất từ lúc phim chưa ra mắt là: lấy trái bưởi từ giếng lên bằng cách đổ nước sông vào giếng... Nước sông, nước giếng?????. Trí khôn của nhân vật Tí cũng bình thường, lúc cần thông minh thì không thông minh, không được thông minh lém lỉnh như trong truyện. Nhân vật chính là Tí mà thiếu điểm nhấn thì các nhân vật còn như Sửu, Dần, Mẹo cũng mờ nhạt theo luôn.
• DIỄN XUẤT:
Diễn xuất của các diễn viên nhí thì tạm chấp nhận được, còn nhỏ tuổi nên diễn xuất còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng tròn vai và rất dễ thương, phân đoạn cảm xúc khóc thì có hơi gượng, thích nhất nhân vật Mùi và Dần. Các diễn viên phụ toàn những gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt rồi, diễn xuất tốt nhưng nhân vật của họ thì mờ nhạt không có chiều sâu.
• HÌNH ẢNH & ÂM THANH:
Bối cảnh trong phim là điểm sáng, thiết kế công phu, những cảnh thiên nhiên như núi non, đầm sen...v.v.v tuyệt đẹp, góc quay vô cùng ấn tượng. Kỳ ảo hơn nên phim lạm dụng kỹ xảo, và màu mè nhìn như kiểu phim của Disney vậy. Có đoạn ảo lòi có đoạn thì Ok, nếu so kỹ xảo với nhiều phim Việt khác thì xem được chứ không phải quá tệ, không biết mấy đứa nhỏ sao chứ tui thấy tạo hình 2 ông thần nhìn sợ sợ sao ấy. Trước đó trailer phim có đoạn hành động ngắn của Tiểu Tị, và trong phim đoạn đánh đấm đó xem rất đã nha. Âm thanh tốt và chân thực, còn âm nhạc cũng bắt tai (nhưng lại có chút liên tưởng đến phim của Disney tiếp).
+ KẾT LẠI: Phim đầu tư tận 50 tỷ nên nhìn lại cũng không phải là phim thảm hoạ, nhưng nói hay thì vẫn chưa hay, chất lượng trung bình. Nếu bỏ qua những xùm lùm thì xem cũng được, mà không xem cũng được luôn. Còn nếu đã ghét rồi thì..........
+ Còn bọn nhỏ thì mình nghỉ sẽ thích phim này đấy.
+ 5.5/10 điểm.
TRẠNG TÍ - SỐ ĐEN ĐỦI CỦA PHIM VIỆT
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là bộ phim dính nhiều số nhọ nhất trong lịch sử điện ảnh Việt, với việc phim đã phải dời 2 lần vì dịch bệnh. Cộng thêm nữa là những ồn ào bên lề như bản quyền và làn sóng tẩy chay từ bộ phân khán giả đã khiến khâu quảng bá của bộ phim không ít bị ảnh hưởng. Rất may, phim này không nằm trong vết xe đổ của Cậu Vàng hay Kiều gần đây nhất về chất lượng, nhưng tổng thể thì mình sẽ chấm phim này ở mức trung bình.
Lý do vì sao, thì mình sẽ nêu ra những cái ưu điểm và nhược điểm:
ƯU ĐIỂM
- Bối cảnh đẹp và hùng vĩ. Theo được biết, phim này được anh Nguyễn Minh Đương - production designer của bộ phim đã phải mất hơn 1 tháng trời để dàn dựng làng Phan Thị from scratch to final product - location scouting, quan sát thời tiết bất kể là nắng hay mưa. Theo mình, cảnh này được đầu tư hết sức là kỳ công!
- Diễn xuất của Tí, Sửu, Dần, Mẹo và Mùi đều khấ tròn vai - nổi bật nhất trong dàn cast chắc chắn phải kể tới dần và Tiểu Tị, là nhân vật thứ 2 mình cực kỳ ưng ý vì cảnh đánh đấm hết sức là đã con mắt.
- Đồ hoạ bộ phim ổn, intro animation cực kỳ bắt mắt.
NHƯỢC ĐIỂM:- Phim lạm dụng quá nhiều CGI khiến người xem phải nhức mắt cũng như thiếu đi sự chân thật của mạch phim.
- Cảnh đám trẻ lấy nước đổ vào giếng để lấy quả bưởi đã bị netizens soi mói và phân tích từ đầu năm nay rồi. Đây là một điểm trừ cực kỳ lớn vì detail này hoàn toàn thiếu nguyên tác của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt và cả sự logic mà bộ phim mang lại.
Tạm kết: Trạng Tí Phiêu Lưu Ký sẽ dừng lại ở mức tạm chấp nhận chứ theo mình thì không hay như mong đợi - nhưng cũng đã vớt vát được từ rác phẩm Cậu Vàng từ đầu năm. Mình mong Studio68 nếu tiếp tục vũ trụ này hay thực hiện những bộ phim chuyển thể sắp tới sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục tiếp thu từ những cái nhược mình nêu trên để cho ra đời những sản phẩm tốt hơn trong tương lai.Và về mặt là người trung lập, từng đọc không ít các số của Thần Đồng Đất Việt - mình cũng đi xem với tâm thế thoải mái và không theo hiệu ứng đám đông để tẩy chay quá mức mà không nhìn sự việc đa chiều. Đặc biệt, mình cũng khẳng định tất cả những cảm nhận của mình chỉ mang tính chất khách quan dưới góc độ cá nhân, và không chỉ định seeding ở bất kỳ hình thức nào. Với việc phải hứng chịu 2 rác phẩm đầu năm là Kiều và Cậu Vàng - thì rất may những ưu điểm trên đã khiến Trạng Tí không dính vào vết xe đổ này.
ĐÁNH GIÁ: 5,5/10 - Phim này trẻ em gia đình xem hợp lý hơn.