Vợ Ba – một tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) đã chính thức được công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc bắt đầu từ ngày hôm nay 17/5.

Kịch bản phim mang nhiều hình ảnh ẩn dụ

Trước ngày chính thức công chiếu, Vợ Ba là nguồn cơn của rất nhiều tranh cãi trên truyền thông và mạng xã hội khi diễn viên chính của bộ phim Nguyễn Phương Trà My chỉ vừa 13 tuổi (tại thời điểm đóng phim) nhưng đã có những cảnh giường chiếu nóng bỏng. Rất nhiều ý kiến lên án e-kip làm phim, lên án phụ huynh Trà My, lên án nam chính; tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ vì đây là một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng hơn hết tất cả mọi người vẫn kỳ vọng vào Vợ Ba khi tác phẩm này đã dành được rất nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá.

Phận người phụ nữ là bèo trôi trên bến nước

Vợ Ba được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật tại thời điểm khi cụ của đạo diễn Phương Anh vẫn còn nhỏ - khoảng đầu và giữa thế kỷ 19. Thời điểm đó tục tảo hôn phổ biến khắp nơi, những cô bé còn chưa kịp lớn hết đã trở thành mẹ và 12 – 13 năm sau đã trở thành bà ngoại. Một minh chứng rõ ràng là bà nội của ad đây cũng lấy chồng từ khi 15 tuổi và đến khi 17 tuổi thì sinh cha của ad, nhưng rất may là ông nội ad chỉ lấy một vợ nên gia đình vẫn hạnh phúc lắm.

Bộ phim kể về Mây – một cô bé 13 tuổi đã phải rời xa gia đình và đến làm vợ một người đàn ông chưa từng gặp mặt, hơn thế nữa chồng cô đã có 2 người vợ và 4 đứa con trong đó cậu con trai cả còn lớn tuổi hơn cả Mây.

Vợ Ba không phải là cuộc đấu đá giữa các bà vợ để tranh giành chồng, xây dựng quyền lực trong gia đình như Mẹ chồng (2017). Thay vào đó bộ phim hướng đến yếu tố khám phá giới tính, tình dục của một cô bé phải trở thành mẹ ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Tình dục trong điện ảnh đang ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên tại một quốc gia vẫn mang nhiều yếu tố truyền thống như Việt Nam thì một bộ phận khán giả vẫn chưa thoải mái đón nhận điều này, đặc biệt là khi diễn ra với cô bé chưa đủ 18 tuổi. Vậy nên rất nhiều ý kiến phản đối ngay từ khi trailer phim được tung ra. Tuy nhiên sau khi theo dõi phim, Rạp chiếu phim cảm thấy đạo diễn đã thực hiện cảnh này khá tốt khi chỉ có một số ít cảnh tiếp xúc giữa hai diễn viên chính, còn lại đều che chắn và bảo vệ nữ chính rất tốt. Có thể sẽ có rất nhiều ý kiến phản đối nhận định này, song Rạp chiếu phim cảm đây đã là nghệ thuật chắc hẳn sẽ phải có hi sinh và diễn viên hay e-kip hơn ai hết họ biết cách bảo vệ mình, bảo vệ tác phẩm của mình.

Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc Rạp chiếu phim đánh giá cao chất lượng Vợ Ba. Ngược lại Rạp chiếu phim cảm thấy đây là một tác phẩm chỉ có thể xếp ở mức trung bình, không thực sự tạo được ấn tượng như đánh giá của nhiều cây bút phê bình phim khác.

Nhịp phim rất chậm rãi, kết hợp với bối cảnh âm u như số phận bạc bẽo của người phụ nữ thời xưa – “đen như tiền đồ chị Dậu”. Đã từng có một xã hội mà người phụ nữ bị coi như hàng hóa, phải phục tục mọi lời nói của cánh đàn ông, thậm chí bị chính cả gia đình của mình từ bỏ chỉ vì sợ bị bà con láng giềng đánh giá. Cuối cùng số phận của họ như bèo nước, không thể đoán biết được ngày mai ra sao.

Dù bộ phim được gắn nhãn 18+ nhưng thật may mắn các tình tiết trong phim đều được chăm chút kỹ càng, không hề dung tục mà chỉ có những vấn đề nghe có vẻ ngượng ngùng nhưng ngẫm lại đó là tất cả những gì sẽ xảy ra với cuộc đời của người phụ nữ. Nhưng đó là tất cả những gì tốt nhất của bộ phim, bởi vì sau đó Rạp chiếu phim thực sự không hiểu điều gì đang xảy ra đối với các nhân vật trong phim nữa.

Lời thoại của các nhân vật trong phim được giản lược tối đa, thay vào đó là những hình ảnh ẩn dụ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Rạp chiếu phim chưa từng xem một bộ phim nào “kiệm lời” đến như vậy. Kết hợp với bầu không khí âm u và diễn biến các tình tiết chậm rãi như ‘Cô dâu 8 tuổi”, bộ phim khiến khán giả cảm thấy rất mệt mỏi không còn biết đâu là cốt truyện chính của phim nữa.

10 phút cuối cùng của Vợ Ba khiến Rạp chiếu phim có cảm giác như đang xem một tác phẩm tài liệu vậy. Cứ liên tiếp là những hình ảnh ẩn dụ khiến khán giả khó có thể hiểu hết được thông điệp mà đạo diễn truyền tải. Cuối cùng kết thúc một cách lãng xẹt khiến cả rạp chiếu phim phải: “Ơ” lên đầy khó hiểu.

Dàn diễn viên nhí có diễn xuất khá tốt

Diễn viên và diễn xuất

Vợ Ba là bộ phim có rất ít lời thoại, vậy nên dàn diễn viên trong phim có dịp trổ hết tài nghệ của mình khắc họa diễn biến tâm lý và cảm xúc của nhân vật. Phần lớn các diễn viên đều hoàn thành tốt vai diễn của mình, đặc biệt là Nguyễn Phương Trà My với ánh mắt truyền tải cảm xúc rất tốt.

Điều đáng tiếc nhất là bộ phim có sự góp mặt của hai diễn viên nhí đình đám Mai Cát Vi – Mai trong Hai Phượng và Lâm Thanh Mỹ trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuy nhiên cả hai đều không có nhiều cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất của mình. Nếu Mai Cát Vi vẫn có một chút đất diễn thì Lâm Thanh Mỹ gần như chỉ là nhân vật rất mờ nhạt trong phim.

Âm thanh và hình ảnh

Hình ảnh của Vợ Ba được xây dựng rất tốt với những cảnh quay được chăm chút kỹ, mang đến cho khán giả những góc nhìn chân thật nhất về cảnh nóng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nghệ thuật. Kết hợp với âm thanh khi thì nhẹ nhàng, lúc lại đặc biệt vang lên cực kỳ rõ ràng và chân thật. Sự kết hợp ăn ý giữa hình ảnh và âm thanh đã mang đến cho khán giả một tác phẩm điện ảnh rất tốt, phần nào giúp khán giả không bị ngủ gật khi theo dõi phim.

Cuối cùng Rạp chiếu phim muốn nói rằng vì mỗi người sẽ có thẩm mĩ khác nhau nên cảm nhận khi theo dõi một bộ phim sẽ không giống nhau. Vậy nên các bạn vẫn có thể đến rạp và theo dõi Vợ Ba. Sau đó hãy chia sẻ với Rạp chiếu phim cảm giác của mình nhé.

Chúc các bạn xem phim vui vẻ.

5 / 5 ( 281 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG