Nhật Bản là quốc gia có nền điện ảnh độc đáo. Những loạt phim TV series của Nhật trên Netflix đều có những phong cách khác lạ khiến cho khán giả phải trầm trồ, dù là phim người đóng hay anime cũng đều có cách hút người xem riêng biệt. Cùng Rạp Chiếu Phim khám phá Top 12 TV series Nhật Bản đáng xem trên Netflix nhé!

Midnight Diner (Quán ăn đêm: Những câu chuyện ở Tokyo)

Đây có là TV series quá quen thuộc với khán giả, tồn tại từ lâu nhưng vẫn để lại dấu ấn trong lòng mỗi người xem. Hiện tại, Netflix đang nắm giữ 3 mùa của TV series này, với mỗi tập chỉ hơn 20 phút với nội dung tách biệt, bạn có thể xem dễ dàng ở bất kỳ đâu và không hề mất thời gian.

Mỗi tập phim như một món súp đậm đặc dinh dưỡng với chất liệu từ hiện thực cuộc sống. Những tâm tư cá nhân cần san sẻ, những bế tắc tưởng chừng không thể giải quyết, mối xung đột và xa cách giữa con người… Tất cả đều được gửi gắm trong TV series đầy chất nhân văn này.

Cốt truyện độc đáo ở điểm: ông chủ cửa hàng mỗi đêm sẽ làm một món ăn phù hợp với khách hàng. Từ đó các vấn đề của họ được bộc lộ, giải quyết ngay trong quán ăn đó. Lối kể “cuốn chiếu” này có thể sẽ khiến khán giả không quen cảm thấy hơi vội vàng và mang tính giáo điều. Nhưng đó mới là đặc trưng của TV series này.

Đã có nhiều quốc gia remake phim nhưng bản gốc của Nhật Bản vẫn là tuyệt vời nhất. Vừa hiểu về văn hóa Nhật Bản, vừa thấu triết lý nhân sinh cuộc sống – còn gì hay ho bằng TV series này đây.

Alice in Borderland (Thế giới không lối thoát)

Ở thời điểm hiện tại, đây là TV series đang đứng Top 1 Netflix và nhận được nhiều phản hồi tốt từ khán giả. Phim nhanh chóng đạt 8/10 điểm IMDb. Phim chuyển thể từ manga nên có vài điểm khác biệt so với nguyên tác nhưng vẫn giữ đặc trưng gay cấn, hồi hộp, mở thắt gọn gàng trong nhịp độ câu chuyện.

Bộ ba Arisu, Karube và Chota đều là những học sinh trung học nghiện game. Một ngày nọ, họ bị cuốn vào thế giới song song kỳ ảo nhưng đây không phải là vùng đất cổ tích mộng mơ đâu nhé. Họ chỉ có cách sinh tồn duy nhất là chiến thắng trong cách trò chơi sinh tử. Những quân bài Tây trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết vì chúng nắm giữ vận mệnh và thử thách lòng gan dạ, độ bền vững của tình bạn.

Với kỹ xảo chưa thật sự hoành tráng nhưng vẫn hấp dẫn người xem, dàn diễn viên bổ trợ quá tốt xuyên suốt thời lượng của phim. Từ vai chính phụ đến các phe chính tà, mỗi nhân vật đều có cá tính cuốn hút. Với một mùa 1 thành công, hứa hẹn mùa 2 của phim sẽ khiến nhiều người trông đợi.

Followers (Người theo dõi)

Cũng liên quan đến các thiết bị điện tử nhưng đây là TV series đánh thẳng vào thực trạng giới trẻ khao khát nổi tiếng trên mạng một cách điên cuồng. Cùng gặp nhau tại thành phố Tokyo đầy cạnh tranh, Limi Nara – là một nhiếp ảnh gia thời trang, trong khi Natsume Hyakuta lại một nữ diễn viên trẻ rắc rối, họ đã trải qua những tình huống xung đột và mâu thuẫn, để rồi nhận ra đâu mới là hạnh phúc thật sự.

Xuyên suốt bộ phim, những nhân vật của chúng ta bị ám ảnh bởi lượt theo dõi trên mạng xã hội. Có một câu thoại điển hình trong phim: “Mỗi lần lượt thích hay lượt theo dõi giảm, tôi thấy giá trị của mình ngày càng giảm”. Đây chính là tư duy sai lầm vì bị phụ thuộc quá nhiều vào thế giới ảo. Mọi ước ao, khát vọng của họ đã bị mạng xã hội thao túng, dẫn tới những lựa chọn sai trái. Phim như một lời cảnh tỉnh đanh thép cho giới trẻ.

Crisis (Đội điều tra cơ động đặc biệt)

Nếu bạn nghĩ chỉ có Hàn Quốc mới có những TV series hành động trấn áp tội phạm đỉnh cao thì thật sự đã quá vội vàng rồi đấy. Crisis (Đội điều tra cơ động đặc biệt) là phim Nhật đáng xem để bạn thay đổi định kiến đó.

Hai đặc vụ Akira Inami và Saburo Tamaru được giao nhiệm vụ điều tra hiểm họa đang đe dọa an nguy quốc gia. Họ phải chạy đua với thời gian để thực hiện mệnh lệnh và truy tìm công lý đích thực.

Với hai nam diễn viên thuộc hạng siêu sao Nhật Bản là Shun Oguri và Hidetoshi Nishijima với những màn đấu trí và các pha hành động đẹp mắt, bạn sẽ ngạc nhiên với TV series chất lượng ổn của Nhật Bản đấy.

Phim với thời lượng 10 tập, mỗi tập chưa đầy 1 tiếng sẽ khiến bạn theo dõi không ngừng nghỉ vì những pha lật kèo đến từ dàn phản diện, chính diện lẫn lộn.

The Forest of Love: Deep Cut (Tiếng thét trong khu rừng thiếu vắng tình yêu: Vết cắt)

Mang phong cách điều tra phá án nhưng TV series này lại nhuốm sắc màu siêu thực, khiến khán giả rơi vào trạng thái nửa thực nửa mơ khi xem phim. Không chỉ mang bề nổi của một câu chuyện về kẻ lừa đảo, sát nhân dụ dỗ nữ sinh, phim đưa ra những quan điểm táo bạo về bạo lực, tình dục, sự tráo trở của nghệ thuật có thể chi phối tội ác con người.

Với những góc quay độc đáo, màu phim hoài cổ ảo vọng và diễn xuất bệnh hoạn của kẻ phản diện đủ để phim khiến người xem nổi da gà và rợn tóc gáy. Trước đó, phim cũng đã có một bản điện ảnh ra mắt vào năm 2019, còn đậm đặc độ siêu thực hơn bản TV series. Nếu có thời gian, hãy kết hợp xem hai bản phim này để có những so sánh thú vị và hiểu hơn về các nhân vật nhé.

Scams (Lừa đảo)

Siêu lừa đảo vừa thông minh vừa có hoàn cảnh đáng nhớ luôn thu hút người xem, TV series này sở hữu một nam chính như thế. Gánh chịu hậu quả nặng nề sau cú sốc với ngân hàng, chàng trẻ tốt bụng bỗng dưng gia nhập tổ chức lừa đảo chuyên chiếm dụng tài sản công dân qua điện thoại. Từng bước đặt chân vào thế giới ngầm, liệu nam chính có hoàn toàn biến chất hay vẫn chừa lối nhỏ để quay đầu lại bờ?

Những chiêu thức lừa đảo tinh vi được gói trong các tình huống khó đoán khiến cho phim kích thích tò mò. Dàn diễn viên trẻ đẹp của Nhật Bản cũng “đốn tim” khán giả theo cách riêng như dàn sao Hàn Quốc đã làm được trong một số TV series có nội dung tương tự. Nhưng điểm mới lạ của phim này nằm ở chỗ phim đã ngầm phác họa bức tranh hiện thực phân cấp xã hội của Nhật Bản, đánh bật mọi mơ mộng hão huyền về một quốc gia văn minh, chính trực và muôn lời hoa mỹ.

The Naked Director (Đạo diễn trần trụi)

Đây là TV series về ngành công nghiệp làm phim porn của Nhật Bản. Bạn không nghe nhầm đâu, là phim khiêu dâm 18+ đấy. Xem phim bạn sẽ biết hết mọi thứ liên quan đến porn, từ ekip đoàn phim, từ cách lách luật che hay không che để phát hành và số phận cũng những diễn viên can đảm chấp nhận đóng porn sẽ phải trả giá như thế nào.

Phim theo chân Muranishi Toru – từ một nhân viên bán hàng hèn mọn với mặc cảm về quan hệ tình dục trở thành một đạo diễn kiêm quay phim kiêm diễn viên của dòng phim porn chủ trương thật trong mọi tình huống. Nghĩa là các diễn viên trong phim của Toru quan hệ thật, dẫn đến cảm xúc thật cho người xem. Anh đã kiếm được bội tiền và thay đổi quan điểm của giới làm phim porn thời đó nhưng anh cũng phải đối mặt với nhiều thử thách như bị thua lỗ, bị đe dọa, bị cấm cửa, bị bỏ tù…

Chúng ta còn có tuyến nhân vật phụ đáng nhớ, chính là các nữ diễn viên porn. Điển hình là nhân vật Megumi với tư duy táo bạo, vượt qua lề lối chuẩn mực xã hội để tiến đến khát vọng thể hiện tự do cá nhân.

Phim chứa đầy cảnh nóng, mỗi tập phim như tái hiện một vài bộ phim porn thu nhỏ nhưng không vì thế mà phim trở nên vô duyên, kém sang. Ngược lại, phim dám nhìn thẳng vào công nghiệp porn Nhật Bản để khán giả có cái nhìn đồng cảm hơn với những người làm nghề thỏa mãn dục vọng con người.

Phim đạt tận 96% bắp ngon lành từ Audience Score của chuyên trang Rotten Tomatoes và 7,8/10 điểm IMDb. Phim đang được bấm máy khởi động mùa 2.

Underwear (Công ty đồ lót)

Chúng ta cùng đến với TV series khác cũng liên quan đến ngành công nghiệp tế nhị về đồ lót. Nữ chính Mayuko lập nghiệp tại một công ty đồ lót hạng sang của Nhật Bản. Từ vị trí một cô thợ may trẻ, cô đã gây dựng nên thương hiệu riêng biệt sau một quá trình vật lộn đầy sóng gió.

Dòng phim thời trang đã xuất hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây trên Netflix nhưng hiếm có bộ phim nào dám nói về thời trang đồ lót. Phim tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết và đậm đà chất nữ tính vừa dịu dàng vừa quyết liệt trong từng lựa chọn quan trọng của đời mình.

Phim đạt 7,3/10 điểm IMDb với những lời đánh giá tích cực về nội dung kịch bản, trang phục và thiết kế bối cảnh.

Hibana: Spark (Hào quang sân khấu)

Cũng vẫn là câu chuyện lập nghiệp của các bạn trẻ ở Tokyo khốc liệt nhưng lần này chúng ta có đôi bạn nam sinh thân thiết. Họ đều là nghệ sĩ Manzai – một bộ môn tấu hài trên sân khấu của Nhật Bản. Nhưng thay vì đi sâu vào các yếu tố drama cạnh tranh như các loạt phim khác, đây là TV series khơi gợi những cảm xúc tích cực cho con người.

Hai nam chính được hóa thân bởi hai soái ca Kento Hayashi và Kazuki Namioka đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Họ trân trọng tình bạn thiêng liêng, yêu quý cuộc sống và cống hiến hết mình cho đam mê mãnh liệt.

Phim đạt 95% điểm Audience Score của Rotten Tomatoes và 8,1/10 điểm IMDb. Đây là TV series đáng xem để thúc đẩy ước mơ và truyền lửa tình yêu đời tới mọi người.

Attack on Titan (Đại chiến Titan)

TV series đặc sản của dòng anime đã trải qua 5 mùa và tiếp tục có tập mới hàng tuần tại Netflix. 94% điểm cà chua tươi và 8,8/10 điểm IMDb – thật là ngưỡng thành công đáng mơ ước của mọi bộ phim đúng không?

Bối cảnh giả tưởng với các Titan (người khổng lồ) xóa sổ hầu hết nhân loại. Để sống yên ổn, nhân loại buộc phải dựng lên những bức tường thành cao ngất. Bộ ba thiếu niên Armin Arlert, Eren Jaeger và Mikasa Ackerman bị cuốn vào cuộc chiến không mong muốn.

Chất anh hùng và các yếu tố kinh dị máu me khiến phim hấp dẫn người xem từ những tập mở đầu. Nét vẽ, đồ họa đặc trưng anime cùng hệ thống âm thanh, tiếng động đầy khí thế tạo cảm giác đã mắt, đã tai cho khán giả.

Baki

Baki chính là tên của tay võ sĩ nhân vật chính. Anh chăm chỉ khổ luyện để đạt cảnh giới vô địch, vượt qua cái bóng của người cha. Trên chặng đường chinh phục tinh hoa võ thuật, anh đụng độ nhiều kẻ xấu muốn so tài thách đấu. Những trận chiến nảy lửa sẽ khiến khán giả yêu thích dòng phim hành động thể thao thích thú.

Bên cạnh pha võ thuật, phim cũng có những nốt trầm về tâm tư của người võ sĩ trước gia đình, bằng hữu và xã hội. Nên nếu sau này phim có được chuyển thể bản live-action cũng sẽ lấy nước mắt kha khá của người xem.

Với nét vẽ nổi bật cơ bắp và khuôn mặt thánh thiện của nhân vật, một số khán giả khó tính sẽ chê đồ họa của Baki nhưng chính sự không hoàn hảo đó mới tạo ra bản chất nhân vật. Trải qua 3 mùa với năm nay là mùa mới nhất, đôi chỗ phim còn đi vào lối mòn dài dòng trong khâu kể chuyện và không nảy sinh thêm nhiều điều mới lạ. Tuy nhiên, nếu yêu thích võ thuật và lòng hiệp nghĩa của võ sĩ, đây vẫn là TV series đáng xem dành cho bạn.

Psycho-Pass (Hệ số tội phạm)

Không gì có thể vượt qua những anime xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng vẫn cực kỳ hay ho để thưởng thức. Psycho-Pass (Hệ số tội phạm) là một trong số đó, phim đạt tới 8,2/10 điểm IMDb. Lấy bối cảnh viễn tưởng năm 2113 – khi con người được quét não để xác định khả năng phạm tội, những ai không vượt qua bài kiểm tra sẽ bị bắt giữ và thủ tiêu ngay lập tức.

Nghe đã hấp dẫn đúng không? Những nhân vật của phim là những kẻ mang tố chất thách thức xã hội, họ phá vỡ mọi quy luật ràng buộc để sống tự do là chính mình và lấy ham mê vượt qua sóng gió làm niềm vui. Tính bất cần của nhân vật khiến người xem thích mê và những pha xử lý thông minh miễn chê sẽ khiến bạn phải kinh ngạc.

Vậy là bạn đã cùng Rạp Chiếu Phim đi qua Top 12 TV series Nhật Bản đáng xem trên Netflix. Phim ảnh Nhật vẫn “khó nhằn” theo cách riêng và không dễ để hiểu ngay mọi thông điệp ngay từ lần xem đầu tiên. Nên nếu có gì chưa hiểu rõ, đừng ngại ngần mà hãy tua lại ngay tập đó để xem, biết đâu bạn sẽ tìm ra những điểm mới lạ của cốt truyện. Với khả năng biến hóa trong nhiều cách hiểu, TV series Nhật còn có biệt tài giúp người xem có những trải nghiệm khác nhau khi xem phim ở những mốc thời gian khác biệt. Chính vốn sống và tư duy cải thiện sẽ khiến bạn hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của từng TV series này. Hãy thử nhé và chia sẻ cùng Rạp Chiếu Phim.