Prey (Song Sinh) là một trong những bộ phim kinh dị Tây Ban Nha ra rạp từ tuần trước nhưng lại không thu về nhiều sự đón nhận từ phía khán giả. Tại sao lại có chuyện đáng buồn này, trong khi phim đã chinh chiến nhiều Liên hoan phim quốc tế uy tín?

Poster chính của phim.

 

Bề nổi của phim tạo cảm giác nhạt nhẽo

Elena đang lứa tuổi teen bồng bột nông nổi, sau lần tai nạn, cô mất đi đôi chân còn người chị song sinh của cô là Vera lại kém may mắn hơn khi mất cả tính mạng. Vào một ngày không hề đẹp trời, cô vô tình bị giam hãm trong chính căn nhà của mình, cha đã đột quỵ ngoài sân, con chó cưng bỗng nhiên hóa dại quay lại tấn công cô, không những thế hồn ma của Vera đang quay lại “vui đùa” với em gái.

Elena không phải là nhân vật dễ tạo thiện cảm với khán giả. Ngay từ mở đầu phim, cô đã liên tục cãi lời cha mình một cách nặng nề. Cô luôn trong trạng thái hận thù và đay nghiến người khác. Ít nhất ba lần trong phim, khán giả nhớ rõ cô đã ước cho người khác vĩnh viễn chết đi, lần lượt là cha cô, chị gái Vera và con chó Athos. Ngay cả khi nhân vật có tạo ra một cảm giác khiến cho người xem đồng cảm thì việc họ nguyền rủa người khác đã là một điều gây mất thiện cảm rồi, huống hồ Elena càng cáu kỉnh, người xem càng thấy ghét cô ấy hơn.

Nữ chính Paula del Río tạo ra vòng lặp bất tận cho khán giả từ sắc thái khuôn mặt đến cả hành động và âm thanh. Cô liên tục mếu máo và gào khóc rất nhiều lần trong những phân cảnh cao trào. Có một âm thanh liên tục lặp lại khiến khán giả nghe nhiều lần sẽ thấy khó chịu. Đó chính là tiếng bấm điều khiển xe lăn chạy. Nó cứ lặp lại như trêu tức khán giả nóng ruột.

Nữ chính chủ yếu toàn khóc mếu khiến khán giả nhàm chán.

 

Với một nhân vật chính không tạo ra quá nhiều ấn tượng, phải có tuyến nhân vật phụ ổn thỏa để bù đắp nhưng dường như phim cũng không quan tâm nhiều đến điều đó. Các nhân vật như cha của Elene, ông hàng xóm xuất hiện như những cơn gió thoảng, chưa kịp hiểu rõ về họ đã xuất hiện tình huống khiến họ “bốc hơi” mãi mãi. Hai con thú nuôi là chó Athos và chồn Luke lại tỏ vẻ hấp dẫn người xem hơn khi chuyển biến sắc thái liên tục từ hiền lành đến hung dữ và lại trở về trạng thái ban đầu.

Nhân vật phản diện gây ám ảnh cho Elene là người chị song sinh cũng xuất hiện hư hư thực thực như trong giấc mơ. Vera chỉ khiến người yếu tim sợ duy nhất ở đoạn xuất hiện đầu tiên qua tiếng bước chân và cái đặt tay lạnh lẽo lên vai nữ chính. Có vẻ Vera nói quá nhiều và không có năng lực gì đặc biệt trong việc tạo độ sợ hãi. Thay vì cố tình tạo twist trong phim bằng cách “cố lừa” khán giả về sự tồn tại thật sự của Vera, đạo diễn José Luis Montesinos lại “lật bài” ngay về sự ảo giác của nữ chính Elena về Vera. Chúng ta có cách dựng tiếp nối như sau: Cứ một đoạn chị em song sinh tranh luận với nhau trong căn phòng tối thì đoạn liền kề sau đó là cảnh Elena bừng tỉnh trở về hiện thực. Bạn có thấy cách kể chuyện này quen không? Đó là cách nhân vật hồi tưởng trong văn học viết. Khi con chữ không thể thỏa mãn chức năng hình ảnh để tạo độ mê hoặc cho người xem, các nhà văn đành phải dùng cách lộ liễu này để tái hiện nhiều chiều không gian ý nghĩ của nhân vật. Nhưng nếu cách này được sử dụng trong phim ảnh, sẽ khiến bạn thấy điện ảnh không khác gì văn chương nghĩa là đã thu hẹp một phần kha khá quyền năng của điện ảnh.

Những nhân vật phụ xuất hiện rất ít trong phim.

 

Thời lượng chính của phim chủ yếu diễn ra trong nhà của nhân vật chính Elena. Với bối cảnh ít ỏi và không gian hẹp như thế hoàn toàn phù hợp với dòng phim sinh tồn. Nhưng nếu không có nhiều pha tình huống kịch tính, chính bối cảnh đó sẽ khiến khán giả thấy nhàm chán cực độ khi nhân vật cứ quanh quẩn chạy xe lăn từ phòng này sang phòng khác. Ánh sáng yếu ớt lại đơn điệu về dàn cảnh càng khiến khán giả thấy mình lãng phí thời gian theo dõi câu chuyện. Màu sắc chủ đạo của phim là tăm tối nên tông màu đen và xanh lá được tận dụng tối đa nhưng có lẽ sẽ gây nhức mắt cho khán giả.

Đó là tất cả những bề mặt nổi trình hiện của phim, khiến khán giả quen với dòng phim kinh dị sinh tồn vội vàng nhận định đây là bộ phim tệ so với mặt bằng chung. Ngay cả điểm IMDb chỉ dừng lại ở 5,5/10 đã phần nào phản ánh cảm giác chung của khán giả đại chúng khi xem phim. Nhưng hình như chúng ta đã lãng quên phần băng chìm vô cùng hay ho của phim rồi đấy.

Phần chìm thú vị của phim

Ernest Hemingway đã đặt ra lý thuyết tảng băng trôi, không chỉ đúng với văn chương, mà còn phù hợp khi sáng tạo nghệ thuật. Jenna Blum đã nhận xét về nguyên lý này như sau: “Hemingway nói rằng chỉ phần nổi của tảng băng được thể hiện trong tiểu thuyết - người đọc sẽ chỉ thấy những gì ở trên mặt nước - nhưng kiến thức mà bạn có về nhân vật của mình, những thứ không bao giờ lọt vào câu chuyện, đóng vai trò là phần lớn của tảng băng. Và đó là những gì mang lại sức nặng và sức hấp dẫn cho câu chuyện của bạn”. Đặc biệt thay, trường hợp của phim Prey (Song Sinh) lại tương đối khớp với hình thái tảng băng trôi. Cùng Rạp Chiếu Phim nhìn kỹ lại phần chìm của câu chuyện ngay ở những điểm bị coi là có vẻ dở nhé.

Nữ chính đơn điệu trong căn nhà như chính cuộc sống tuyệt vọng của cô.

 

Elena đơn điệu trong căn nhà của mình và chỉ biết gào thét với sắc thái biểu cảm không mấy sinh động? Nếu bạn là Elena ngoài đời, bạn có thấy cuộc sống của mình hoàn toàn bế tắc, đáng căm phẫn và chẳng biết nên làm gì để thoát ra khỏi nó không? Elena chỉ đang phác họa chân thực nhất tâm lý của một con người hữu hình sẽ như thế nào khi đặt trong tình huống đó. Sự nhàm chán mà khán giả phải chịu đựng chính là chuỗi ngày vô vị, vòng tuần hoàn lặp lại của nữ chính Elena. Đạo diễn đã cho khán giả “nếm thử” cảm giác trải nghiệm là nhân vật xem bạn có hành xử khá hơn cô gái cực đoan này là mấy hay không.

Việc tạo ra một nhân vật chính cực kỳ gây mất thiện cảm với khán giả ở phần đầu của phim càng gia tăng sẽ đi liền với việc đẩy nhân vật càng phải lăn lộn nhiều với hiểm nguy mới có thể nhận ra chân lý ở phần sau. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” là thế, trường hợp này Elena là vỏ quýt và kịch bản là móng tay nhọn. “Cẩn thận với lời ước của mình” – lời thì thầm của Vera không còn là một câu hăm dọa thông thường nữa khi tất cả những điều Elena ước trong nháy mắt đã trở thành sự thật. Cha đang khỏe mạnh – tự nhiên đột quỵ, chết. Con chó cưng đáng yêu – tự nhiên bị dơi cắn và phát dại, quay ra tấn công cô như kẻ thù. Tất cả những lý do như đột quỵ, bị dại đều là chuyện ngẫu nhiên không ai mong muốn, giống như việc trên chuyến ô tô xấu số gặp tai nạn, Vera đã mất còn Elena bị tật nguyền. Nhưng Elena lại là nhân vật phản đề lại chuyện ngẫu nhiên đó, cô luôn cho rằng việc mình bị tật nguyền một phần do cha cô và Vera gây nên, việc chị gái cô thiệt mạng cũng là sự trả giá tất yếu mà thôi, không những thế Vera còn kéo theo cái chân lành lặn của cô về thế giới bên kia luôn. Bằng ánh mắt thù hằn khi nhìn đời, Elena đã biến mình trở thành kẻ tật nguyền trong tâm hồn. Cô không những không hiểu bản chất của cuộc sống, mà nguy hại hơn, cô đang không hiểu chính mình.

Elena và Vera phải chăng là một người?

 

Sự xuất hiện nửa thực nửa mơ của Vera theo chủ ý của đạo diễn giờ đây đã được minh chứng rõ ràng hơn chưa? Vera phải chăng chính là Elena? Nhưng không phải kiểu đa nhân cách như những tên bệnh hoạn giết người hàng loạt, mà Vera là nửa kia tâm hồn thiếu sót còn lại của Elena. Vera vừa khiến Elena căm phẫn, nhưng sau căm phẫn là tỉnh ngộ; Vera cũng đánh thức nhân cách tốt trong Elena khiến cô không còn dằn vặt về chính mình hay đổ lỗi cho người khác. Cũng có thể do tay nghề của đạo diễn trẻ người Tây Ban Nha này còn chưa tới nên thông điệp này có thể chưa hẳn đã thuyết phục hoàn toàn khán giả đại chúng như những phim khác cùng chủ đề. Nhưng đâu phải ngẫu nhiên khi phim dành giải “Phim truyện hay nhất” và “Nữ chính xuất sắc nhất” trong Grimmfest Award 2020 cùng vô số đề cử khác trong các Liên hoan phim quốc tế. Mặt chìm của tảng băng trôi mới là điều đáng suy xét trong trường hợp của phim này.

Rạp Chiếu Phim không hẳn thích mặt hình ảnh của phim nhưng những góc quay sáng tạo là điều cần nhắc tới. Tay cầm điều khiển của nữ chính có gắn với tấm gương nhỏ và đây là con mắt thứ ba giúp nhân vật quan sát những tình huống nguy cấp. Máy quay chú trọng trình hiện hình ảnh xung quanh qua chính tấm gương nhỏ đó tạo ra một nhịp phim hồi hộp khiến khán giả ngóng trông theo dõi. Với Rạp Chiếu Phim, chi tiết nhỏ này có sức nặng ngang với những cú jump scare gây giật mình quy mô lớn. Và việc nữ chính Paula del Río  một mình đảm nhận cả hai vai Elena và Vera cũng là một nỗ lực lớn của cô, mong rằng những phim sau sắc thái biểu cảm của cô sẽ đa dạng hơn.

Mong rằng ở phim sau, nữ diễn viên sẽ có nhiều biểu cảm hơn.

 

Bạn có đồng tình với ý kiến của Rạp Chiếu Phim không, rằng Prey (Song Sinh) không hẳn là một bộ phim kinh dị tệ hại, chỉ cần bạn có thể thời gian suy nghĩ về vấn đề phim đặt ra. Đúng như lời thoại cuối mà nữ chính tâm sự: “Có hai điều bất hạnh nhất trên đời, một là không nhận được thứ ta muốn, hai là nhận được thứ ta muốn nhưng lại không như mong đời”, cuộc sống này là những biến thiên trắc trở mà con người khó lòng định trước. Làm thế nào nếu ta rơi vào cái bẫy hai điều bất hạnh kia, đó chính là thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống, khi đó bất hạnh vẫn còn nhưng không quá gây tàn phế tâm hồn ta. Sinh tồn là một trở ngại khó khăn nhưng chưa hiểu chính mình lại là rào cản tệ hại hơn nữa, nên đầu tiên hãy cứ bình tĩnh hiểu chính mình đã nhé.

5 / 5 ( 96 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG