Khi Giáng Sinh ngày càng trở thành lễ hội nổi tiếng trên toàn thế giới, xu hướng “thương mại hóa” Giáng Sinh và xem thường những giá trị tinh thần cốt lõi đã bắt đầu lan tràn trong từng ngóc ngách suy nghĩ của người lớn. Một Giáng sinh bị “biến tướng” và đánh mất vẻ ngây thơ, hồn nhiên vốn có là câu chuyện phim từ năm 1947 nhưng lại hoàn toàn đúng với xã hội hiện nay.

Ông già Noel trở thành "người bán hàng" phục vụ xu hướng "thương mại hóa" Giáng sinh.

 

Giáng Sinh “thương mại hóa”

Phim bắt đầu khi một ngày đẹp trời gần Giáng Sinh, ông cụ Kris Kringle (thực chất là Santa Claus thứ thiệt) vòng quanh khu phố 34 của thành phố New York nhộn nhịp. Ông kinh hãi khi nhận ra mọi người đang bày trí Noel theo cách sai trái và nhất là xây dựng hình tượng ông già Noel không hề mẫu mực chút nào. Ban đầu là chỉ sai một vài chi tiết nhỏ trên trang phục, dáng vẻ nhưng càng khám phá, ông cụ càng nhận ra những người đóng giả ông già Noel với mục đích thương mại chẳng hề có phẩm chất tốt đẹp nào tương xứng với danh nghĩa ấy.

Thế là quá bực mình, Kris Kringle quyết định làm tròn trách nhiệm của một Santa Claus thực sự. Ông hồ hởi, cởi mở với trẻ em, lắng nghe và thấu hiểu chúng. Ông cũng không quên biến những điều ước của chúng thành hiện thực. Nhưng ông cụ đâu hề biết thực ra ông chỉ đang trong vị trí thay thế ông già Noel trong một cửa hàng tạp hóa chuyên bán đồ chơi vì lợi nhuận mùa Giáng Sinh.

Luôn miệng nhận mình là Santa Claus, ông cụ đã khiến nơi đây trở nên hỗn loạn. Khi một phe không nỡ đuổi thẳng ông già lẩn thẩn này vì từ khi ông có mặt ở đây, lợi nhuận tăng lên vèo vèo; một phe thì thẳng thừng chỉ trích, liên tục tìm cách quấy phá và vu khống cho ông mắc bệnh thần kinh hoang đường.

Một ông già Noel thế nào mới là đúng nghĩa?

 

Chúng ta có những nhân vật phụ tôn sùng vật chất như bà chủ Doris mất niềm tin vào mọi phép màu trong cuộc sống, các sếp lớn của chuỗi nhà hàng đồ chơi, gã bác sĩ tâm lý Sawyer hiếu thắng và lươn lẹo. Đối lập với họ là những nhân vật thuần chất trong sáng, tin tưởng vào những điều kỳ diệu tốt đẹp mà người lớn hoặc người giàu cho đó là viển vông thiếu thực tế. Đó là các cô cậu bé một lòng tin vào sự tồn tại của ông già Noel, đó là luật sư Fred Gailey - một trong những người lớn hiếm hoi còn coi trọng giá trị tinh thần. Và nhất là không thể quên chàng trai trẻ Alfred với ước mong giản đơn trở thành ông già Noel phát quà cho trẻ em vì anh cảm thấy mình có ích hơn khi thực hiện nghĩa cử cao đẹp đó.

Nhân vật Alfred mang đến một định nghĩa khá hay ho về ông già Noel rằng thực ra không cần phải có dáng vẻ bụng phệ hay tuổi tác cao mới trở thành nhân vật huyền thoại. Chỉ cần anh sống tốt và một lòng yêu thương trẻ em, anh cũng có thể trở thành biểu tượng của Giáng sinh. Và cũng chính Alfred là người than vãn rằng ngày nay ai cũng bận kiếm tiền và không quan tâm Giáng Sinh thực chất là gì – đó đích thị là nỗi lòng của đạo diễn George Seaton và biên kịch Valentine Davies khi mạo hiểm nói lên sự thật của xã hội đương đại trong một bộ phim tưởng chừng chỉ giải trí vui vẻ “ăn theo trend” Giáng Sinh.

Có nên tin vào ông già Noel?

Cô bé Susan là con gái của Doris - một phụ nữ thất vọng về tình yêu và cuộc sống, cô chỉ quan tâm đến công việc và lợi ích tiền bạc. Cách giáo dục của Doris đã biến Susan không khác gì “bà cụ non” khi cô bé không hề vui chơi với bạn bè cùng lứa, nói năng quá “trưởng thành” và chẳng hề tin gì vào cổ tích hay phép màu. Nhưng chính luật sư Fred cùng cụ Kris đã đánh thức tâm hồn nhạy cảm mơ mộng của Susan, kéo cô ra khỏi thế giới người lớn quá “vị tiền” và triệt tiêu sự sáng tạo của con trẻ.

Điều cứu cụ Kris ra khỏi phiên tòa kết án cụ có hành vi chống đối xã hội cũng chính là sự tin tưởng vào điều diệu kỳ đến từ những đứa trẻ của thành phố New York. Chúng tập hợp nhau lại viết thư đòi quà như một việc làm thân thuộc mỗi dịp Noel. Và chúng gửi cho ai? Tất nhiên là Santa Claus thật sự rồi.

Phim không hề có một lời giải thích rõ ràng nào tại sao ông già Noel lại lạc đến trần gian và ông có biến mất không hay tiếp tục sống tại con phố 34. Nhưng điều đó không quan trọng vì đâu ai có thể lý giải tường tận về phép màu trong cuộc sống?

Người lớn đôi khi đã lãng quên ý nghĩa của Giáng sinh.

 

Màn hóa thân tròn vai của dàn diễn viên mọi lứa tuổi khiến khán giả hài lòng và thật khó có thể nghĩ ra ai thay thế vị trí của họ. Nhờ diễn xuất nhập tâm mà mọi tình huống phi lí trong phim đều biến thành hợp lý. Tuy nhiên diễn biến tình cảm giữa luật sư Fred và bà chủ Doris bị đẩy lên quá nhanh là một điểm trừ lớn cho phim nếu bạn là khán giả khó tính.

Kỹ thuật làm phim thô sơ nhưng vẫn hiệu quả

Với màu phim đen trắng, sắc đỏ đặc trưng của Giáng sinh không hề xuất hiện trong phim nhưng người xem vẫn cảm nhận hơi thở của Noel qua cách dàn cảnh tấp nập, âm nhạc vui tươi và những màn đối đáp hài hước. Đậm đặc nhất là ca khúc nhạc phim Silent Night, Jingle Bell với giai điệu ấm áp và ca từ sâu lắng khiến người xem nhớ mãi trong tâm trí.

Mỗi lần có cảnh cận tờ báo, bảng tin liên quan đến ông già Noel, nhạc Jingle Bell lại vang lên như một tín hiệu đặc trưng của phép màu Giáng sinh. Còn ca từ sâu lắng của bài hát Silent Night lại khiến cho người lớn chúng ta nhớ về đêm định mệnh của Chúa – đây mới thực sự là nghi lễ quan trọng nhất của Giáng sinh. Chính sự đối chọi giữa tính thiêng liêng về tinh thần và tính cầu toàn về vật chất trong suy nghĩ con người mới là thông điệp lớn mà phim mong muốn truyền tải.

Một trong những cảnh quay hài hòa về góc máy, ánh sáng và ý nghĩa nghệ thuật.

 

Các góc máy của phim cũng mang ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc. Rạp Chiếu Phim ấn tượng với hai cảnh quay đặc biệt. Thứ nhất, cảnh toàn ông già Noel đứng trước rất nhiều người. Cảnh này chỉ sử dụng kỹ thuật ghép thô thời bấy giờ, những vóc dáng người dưới đường nhìn như tranh vẽ. Nhưng ý nghĩa của cảnh này hoàn toàn tương đồng với nỗi bất an Giáng sinh đang bị “thương mại hóa”. Ông già Noel bị biến thành một người bán hàng cao cấp, một doanh nhân đang dẫn dụ mọi người mua hàng, đi ngược lại với bản chất vốn có của Giáng sinh.

Cảnh thứ hai chính là góc máy đặt sau ô cửa kính diễn tả cô bé Susan nhìn ra ngoài đường phố đông đúc. Tấm kính không còn là vật dụng trong bối cảnh, nó ẩn dụ cho những cách ngăn của tuổi thơ với xã hội bên ngoài. Hay chính là lối suy nghĩ “bà cụ non” của cô bé rào cản chính cô với những niềm vui thú đơn thuần nhất.

Phim chiến thắng nhiều hạng mục quan trọng tại Academy Awards như giải nam chính, giải kịch bản gốc. Phim đạt 96% điểm cà chua tươi và 7,9/10 điểm IMDb. Phim cũng được remake vào năm 1994 với phiên bản màu nhưng có lẽ hương vị của bản phim gốc vẫn luôn sống mãi trong lòng người xem.

Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu là đức tính nổi bật của ông già Noel đích thực.

 

Rạp Chiếu Phim mong rằng bộ phim Miracle on 34th Street (Phép màu trên phố 34) sẽ là món quà Giáng sinh ý nghĩa dành cho các mọt phim mùa Noel này. Bản chất của Giáng sinh là gì, có phải là lễ hội linh đình hay những món quà đắt tiền không? Hãy xem phim để cảm nhận dư vị của tình yêu thương và lan tỏa thông điệp giá trị đó tới những fan yêu điện ảnh khác nhé.

5 / 5 ( 281 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG