Nhìn poster phim với hàng loạt diễn viên da đen, ban đầu chắc bạn cũng như Rạp Chiếu Phim lắc đầu ngao ngán rằng lại là một phim nữa về phân biệt chủng tộc, liệu có nhái Get Out hay Us không? Nhưng trong suốt quá trình xem phim, bạn sẽ ngạc nhiên đấy, vì phim đã lột tả tinh tế những mâu thuẫn khó nói khi người da đen nỗ lực hòa nhập cùng cộng đồng da trắng.

Mượn vỏ bọc ma quỷ siêu nhiên quấy nhiễu con người

 

Hai vợ chồng da màu tị nạn chuyển đến căn hộ lạ ở Anh.
Hai vợ chồng da màu tị nạn chuyển đến căn hộ lạ ở Anh.

 

Hai vợ chồng da màu Bol và Rial sau khi vượt biên khỏi quê nhà Sudan đổ nát đã được chính phủ Anh chấp nhận sinh sống ở đất nước họ với tư cách người tị nạn, chứ không phải công dân thông thường. Họ được trao một số tiền trợ cấp nhất định, có một căn nhà tương đối tốt với điều kiện thân thiện với hàng xóm, không đòi hỏi thêm và tạm thời chưa được đi làm.

Chắc hẳn bạn đã quá quen với mô típ phim kinh dị ma quỷ ám khi các nhân vật chuyển đến nhà mới. Hàng đêm, hai vợ chồng phải đối mặt với quỷ dữ có khả năng gọi hồn ma đồng loại ám ảnh họ. Trong quá trình vượt biên phải băng qua vùng biển sâu, họ đã đánh mất đứa con gái Nyagak và lũ ma quỷ liên tục dụ dỗ người vợ Rial phải đề nghị chồng giao trả căn nhà hoặc chính mình tự tay giết chồng. Điều kiện đổi lại, chúng sẽ đưa Nyagak đoàn tụ trở về.

Nhưng thay vì tìm cách trốn thoát, hai vợ chồng buộc phải ở lại căn nhà vì đây là cơ hội cuối cùng họ làm lại cuộc đời. Đã mất công bỏ xứ mà đi thì phải cố gắng bám trụ nơi đất khách quê người.

Những bộ phận thân thể xuất hiện trong kẽ tường, con quỷ ăn thịt người, những xác chết sống dậy… Nhà làm phim đã làm tốt những cú jump scare trong bối cảnh không gian hẹp, ánh sáng yếu. Nhưng nếu chỉ dọa nạt đơn giản và cũ mòn như thế, phim sao có thể thuyết phục giới phê bình với 100% điểm cà chua tươi?

Mâu thuẫn sắc tộc và ám ảnh nguồn cội

 

Ngôn ngữ điện ảnh trong một khung hình thể hiện sự mâu thuẫn.
Ngôn ngữ điện ảnh trong một khung hình thể hiện sự mâu thuẫn.

 

Không có đòn roi gây sát thương chảy máu nhưng sự phân biệt sắc tộc ngầm vẫn khiến khán giả lặng đi trong trăn trở. Những người da trắng luôn giữ thái độ im lặng, thờ ơ, thản nhiên làm việc riêng và không hề đếm xỉa đến sự tồn tại của người da màu. Họ - những người da tắng đang cho phép chính mình tự phân cách trong một thế giới khác biệt hơn. Trong cuộc phỏng vấn trước khi trao căn nhà, khi Bol ra sức khẳng định: “Chúng tôi là người tốt”. Tay cán bộ da trắng đã ngắt lời: “Anh không cần cố thuyết phục tôi việc anh là người tốt hay người xấu”. Có vẻ như họ đã có sẵn câu trả lời đầy định kiến trong đầu mình từ ngàn đời nay rồi.

Người phụ nữ hàng xóm da trắng luôn lạnh lùng ngồi cạnh cửa sổ từ phía trên cao nhìn xuống Bol, mặc kệ anh có cố gắng cười vui vẻ bắt chuyện. Câu nói đầu tiên và duy nhất thể hiện sự giao tiếp của bà dành cho Bol lại là một câu hỏi đầy miệt thị: “Anh vừa chưa rời đi à?”.

Người vợ Rial khi đám khám ở phòng mạch tư cũng gặp trường hợp tương tự. Khi Rial trả lời thật về nguồn gốc thực sự của mình cùng ký ức đau thương cô đã tự tay dùng dao vạch hình xăm trên cơ thể mình trong ngày chứng kiến cái chết của bố mẹ, ả y tá da trắng cố miễn cưỡng gợi chuyện thân thiện, nay đã chuyển sắc mặt, mở mắt to tròn ngạc nhiên và không nói được câu nào. Sự kỳ thị đôi khi đến từ ánh nhìn và thái độ, chưa cần phải cất lời nói.

Với tư cách dân nhập cư đến Anh, mà lại còn da màu, Rial còn vấp phải sự phân biệt đối xử của chính lũ trẻ cùng màu da với cô nhưng đã sinh sống ở đây lâu năm như người bản địa. Chúng chế giễu cách phát âm sai của cô, cố tình chỉ sai đường và còn cất lời đuổi cô về nước. Phân cảnh Rial lạc đường trong những bức tường trắng xóa như hiện thực da trắng đang bủa vây khiến cô lạc lối.

Ra đường gặp chế nhạo, về nhà Rial cũng không cảm thấy khá khẩm lên. Trái ngược với người chồng Bol luôn cố hòa nhập bằng cách thay đổi trang phục, thói quen ăn uống, cách thức phát âm tại môi trường mới, cô vợ Rail vẫn ăn bốc bằng tay và không hề giao tiếp bằng tiếng Anh. Phân cảnh hai vợ chồng ngồi đối diện tại bàn ăn với một người cầm dao đĩa, một người ăn bốc thể hiện sự mâu thuẫn giữa tư tưởng của cặp đôi. Khán giả phân vân không biết nên cho rằng Rail quá bảo thủ, Bol tân tiến hợp thời hay là Rail vẫn giữ được nguồn cội còn Bol đã đánh mất chính mình và hòa tan trong môi trường mới?

“Chẳng có ma quỷ nào cả” – câu thoại hiếm hoi đúng đắn của người chồng Bol lột tả trần trụi hiện trạng tồi tệ của cả hai người tại căn nhà ma ám. Chẳng có ma quỷ nào ám ảnh đáng sợ hơn mâu thuẫn sắc tộc và tiếng gọi quê hương. Cả hai đều bị giày vò bởi chiến tranh và cái chết của cô con gái Nyagak. Người chồng muốn phủ nhận quá khứ để xây dựng cuộc sống mới. Còn người vợ lại không ngừng nhớ thương hoài niệm. Họ đang bị mâu thuẫn với chính hành động ban đầu của mình là quyết tâm rời bỏ quê hương khốn khổ để làm lại cuộc đời.

Khi kê khai vào bản báo cáo, dù biết thừa căn nhà đang bị ma ám, người chồng vẫn cho rằng có lũ chuột trong nhà và hành xử như một kẻ điên trong mắt các cán bộ da trắng. Để đến nỗi người vợ phải chua chát nhận định rằng: “Họ thích nhìn ta như bị điên. Điều đó làm họ cảm thấy trông họ thật vĩ đại. Họ không muốn nhớ lại rằng chính họ cũng từng yếu đuối, tội nghiệp, lười biếng, tẻ nhạt”.

Đến đây, Rạp Chiếu Phim nhận ra rằng nếu gạt bỏ mọi yếu tố ma quỷ, những bức tường nham nhở trong căn nhà chính là tâm hồn trống trải và mục nát của những người da đen tị nạn. Họ càng cố lấp đầy tổn thương quá khứ bằng lớp vôi vữa màu mè, các bức tường tâm hồn càng trở nên thiếu kiên cố và bị thủng sâu rộng hơn.

Thật may, đến cuối phim, cả hai vợ chồng đã tạm thời giải quyết mâu thuẫn bằng cái nắm tay ấm áp. Người chồng cố chấp cũng nhận ra rằng: Nguồn cội và bóng ma quá khứ vẫn ở bên mình dù mình có đi đến tận đâu.

Ngôi nhà là một hình tượng ẩn dụ trung tâm, đặt ra câu hỏi cho chính khán giả. Khi được ban phát thứ vật chất tương đối đầy đủ nhưng căn nhà lại thiếu vắng linh hồn. Đó có phải là miền đất hứa đích thực?

Phim cộng hưởng ngôn ngữ điện ảnh tuyệt vời

 

Hình ảnh người da trắng hiện lên với vẻ thờ ơ, tự cho mình
Hình ảnh người da trắng hiện lên với vẻ thờ ơ, tự cho mình "bề trên".

 

Sở hữu một kịch bản tốt với dàn diễn viên ít tên tuổi nhưng diễn xuất đột phá, phim còn thành công nhờ vào cách vận dụng ngôn ngữ điện ảnh phong phú, tinh tế từ đạo diễn Remi Weekes cùng ekip quay phim và dựng phim tài ba. Các góc máy được lựa chọn chủ yếu là cận cảnh và toàn cảnh khiến người xem có cái nhìn toàn diện về tâm thế nhân vật giữa bối cảnh và cả đời sống nội tâm của họ. Một số góc máy sáng tạo như ánh mắt nhìn qua lỗ tường, máy quay ngăn cách bởi các tấm kín và cái nắm tay qua kẽ hở của hàng ghế xe khách… đều tạo ấn tượng mạnh cho người xem.

Lựa chọn đạo cụ và tận dụng chúng triệt để cũng là điều đáng nói trong phim. Chiếc dây thừng từ lỗ tường, con búp bê bỏ đi với viền trang trí phía chân váy trở thành vòng cổ của Rail, đồ ăn thừa của người da trắng… đều được đặt vào những ngữ cảnh thích hợp, làm nổi bật mâu thuẫn sắc tộc ngầm mà đạo diễn muốn nhắc tới.

Nhạc phim tiết chế cực độ khi ở những phân đoạn giằng xé nội tâm chỉ vang lên vài ba tiếng gảy đàn khắc khoải. Lối dựng phim đan xen quá khứ - hiện tại và cách sử dụng ánh sáng ma mị khiến phim nhuốm màu mơ hồ, hỗn độn như những tâm tư của người tị nạn da màu.

Nếu bạn muốn tìm kiếm một bộ phim với sắc thái kinh dị vừa phải, đề cập tới vấn đề xung đột sắc tộc không quá gay gắt mà vẫn thấm thía, hãy tìm đến bộ phim His House (2020). Rạp Chiếu Phim tin rằng đây sẽ là trải nghiệm điện ảnh vô cùng đặc biệt và khó phai nhòa trong tâm trí của khán giả mê dòng phim kinh dị tâm lý. Có chi tiết nào trong phim mà bạn còn cảm thấy khó hiểu không? Hãy chia sẻ cùng Rạp Chiếu Phim tại fanpage và group nhé!

5 / 5 ( 91 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG