Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa (Dino King: Journey To Fire Mountain) là một trong số ít những phim hoạt hình được công chiếu tại các rạp chiếu phim ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên với cá nhân Rạp chiếu phim – một người lớn yêu thích phim hoạt hình và thường xuyên xem thể loại phim này thì Vua khủng long phiên bản Hàn – Trung là một tác phẩm đáng thất vọng.

Kịch bản phim không có sự đột phá

Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa là bộ phim điện ảnh được sản xuất bởi sự hợp tác giữa Hàn Quốc với Trung Quốc. Nếu các bạn đã từng xem Công viên kỷ Jura thì sẽ cảm thấy khá quen thuộc với những anh bạn khổng lồ trong Vua khủng long, nhưng chất lượng hai bộ phim cách xa nhau như trên trời với mặt đất vậy.

Nội dung phim cũ rích

Bộ phim kể về Junior – chú nhóc thuộc loài khủng long bạo chúa Taborsaurus thiện chiến và tàn bạo, nhưng Juniour lại rất yếu ới và nhút nhát. Tính cách của cậu nhóc khiến cha là Dino vô cùng bất mãn, ông rất khắt khe trong nuôi nấng Juniour nhưng qua ngày tháng tính cách của cậu không hề khá lên chút nào.

Cho đến một ngày Junior bị một nhóm khủng long Raptor bắt cóc khi đang cố gắng săn một con khủng long nhỏ. Cha Dino nhanh chóng phát hiện con trai gặp nguy hiểm, tuy nhiên do một mình nên ông đã bị đánh bại xuống lòng sông và lạc mất Junior. Tình yêu thương bao la của cha đã khiến Dino không từ bỏ hi vọng tìm con và ông đã phải băng qua rất nhiều vùng đất trong cuộc hành trình tìm con này.

Kịch bản của Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa không có gì mới, thậm chí còn có thể gọi là cũ rích. Hai cậu nhóc ngồi cạnh Rạp chiếu phim thỉnh thoảng lại thốt lên: Đó con đoán đúng chưa hay Con biết ngay mà…, như vậy là các bạn có thể dễ dàng biết được nội dung bộ phim quen thuộc với các bạn nhỏ đến mức nào. Chính vì vậy nên bộ phim đối với những khán giả hơi lớn tuổi hơn một chút sẽ được xếp loại nhàm chán, còn với các bé có chăng thú vị hơn một chút vì các bé có thể vừa xem vừa đắc ý vì đoán đúng nội dung phim.

Ngoài nội dung phim đơn giản, Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa còn có phần vô lý về mặt nội dung. Trong khi Junior bị bắt cóc, ngay cảnh sau đã về đến khu tập trung của lũ Raptor; điều này có nghĩa là khoảng cách từ nơi Junior bị bắt cóc đến điểm tập trung không quá xa. Thế nhưng cha Dino lại phải đi khắp nơi tìm kiếm từ vùng núi xanh mướt, đến các khe núi sâu hun hút, phải băng qua cả sa mạc rộng lớn đi hết không biết bao nhiêu ngày tháng mới có thể tìm được con. Có lẽ đạo diễn muốn miêu tả hành trình trìm con vất vả của cha Dino và những người bạn, nhưng lại vô tình không để ý đến chi tiết này, giá như thêm vài cảnh Junior bị bị tha đi trên đường thì bộ phim sẽ hợp lý hơn rất nhiều.

Thông điệp mà bộ phim truyền đến cho khán giả cũng không có gì mới như tình yêu thương của cha mẹ, tình đoàn kết của bạn bè và lòng dũng cảm của mỗi người. Đó là những thông điệp hay nhưng cách thể hiện lại không ấn tượng, nên khiến người xem có cảm giác nhàm chán khi ngồi trong rạp. Nếu so sánh với bài học về lòng dũng cảm mà Gà Trống dạy cho Max trong Đẳng cấp thú cưng 2 thì Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa kém hơn rất rất nhiều.

Phần hình ảnh và kỹ xảo không có điểm nổi trội

Lồng tiếng

Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa công chiếu tại Việt Nam với hai bản là phụ đề và lồng tiếng. Rạp chiếu phim đã theo dõi bản lồng tiếng và cũng như các bộ phim hoạt hình khác, Rạp chiếu phim hoàn toàn đánh giá không cao giọng lồng tiếng của các diễn viên lồng tiếng Việt Nam. 

Cha Dino được diễn viên lồng tiếng cố hạ giọng trầm một chút để mang đến cảm giác trầm ổn của một khủng long trưởng thành, nhưng lại mất đi sự truyền cảm trong giọng nói. Người bạn Cy thì lại có âm điệu lời nói giống như khi nói vừa đẩy lưỡi ra vừa cố gắng uốn lưỡi nên giọng của nhân vật này rất khó, thêm nữa lời thoại của Cy lại rất nhiều nên khiến người nghe cảm thấy rất khó chịu. Còn lại các tuyến nhân vật khác đều có phần lồng tiếng khá ổn.

Âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo

Rạp chiếu phim không đánh giá cao phần âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo của Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa. Nếu các bạn để ý từ phần  trailer cũng như poster thì sẽ dễ dàng nhận thấy phần hình ảnh được thiết kế kiểu dạng nguyên khối, không có sự tinh tế và mềm mại giống như các bộ phim Hollywood khác, cảm giác rất giả, rất hoạt hình. Rất nhiều cảnh mà khán giả sẽ thấy được khi con Taborsaurus dẫm đôi chân khổng lồ của mình lên các con khủng long khác thì phần tiết xúc giữa hai loài giống như chỉ là đặt nhẹ lên mà không phải Taborsaurus dùng sức mạnh để khống chế các con khác vậy.

Còn phần âm thanh cũng không được xử lý tốt khi không tận dụng được hệ thống âm thanh đa kênh trong rạp. Chỉ với một vài cảnh đặc tả sức mạnh của loài voi thì khán giả mới cảm nhận được âm thanh đa kênh, còn lại âm thanh chỉ ở mức diễn ra ở trước mặt hay một bên tai vậy.

Tóm lại Vua khủng long: Phiêu lưu đến vùng núi lửa chưa là một bộ phim hoạt hình tốt, tuy nhiên bố mẹ cũng có thể cho các bé đi xem giải trí trong những ngày hè rảnh rỗi.

5 / 5 ( 281 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG