Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
- 1 - Thung lũng hoang vắng (2001)
- 2 - Anh thầy ngôi sao (2019)
- 3 - Big Brother (Đại sư huynh)
- 4 - Half Nelson (Thầy giáo giang hồ)
- 5 - Whiplash (Khát vọng nhịp điệu)
- 6 - Lean On Me (Hãy dựa vào tôi)
- 7 - Won’t Back Down (Không lùi bước)
- 8 - Freedom Writers (Những cây viết tự do)
- 9 - Chalk (Phấn trắng)
- 10 - My Octopus Teacher (Cô giáo bạch tuộc)
Có một câu danh ngôn rằng: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Rạp Chiếu Phim trân trọng giới thiệu tới các bạn “Top 10 phim về thầy cô giáo đáng xem trên màn ảnh”.
Với nhiều thầy cô tính cách đa dạng, khi thì hà khắc, lúc lại rất hiền từ sẽ khiến bạn biết đến nhiều hình tượng giáo viên trên phim ảnh. Dù tính cách như thế nào, quá trình dạy dỗ học sinh trưởng thành cũng đòi hỏi một sự nhẫn nại và yêu nghề đáng kể. Nào còn chần chừ gì nữa mà không bắt đầu ngay thôi!
Thung lũng hoang vắng (2001)
Bộ phim đầu tiên đậm chất Việt Nam, đến từ nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Phim lấy bối cảnh trường học vùng cao – nơi có 3 giáo viên làm việc và sinh sống gắn bó với nơi đây, gồm thầy hiệu trưởng Tành, hai cô giáo cô Giao và cô Minh.
Mang sứ mệnh đưa con chữ miền xuôi về tận thôn bản hẻo lánh, ba người giáo viên đã hy sinh đời sống cá nhân để dìu dắt học trò. Họ phải đối mặt với sự thiếu thốn về vật chất, trang thiết bị dạy học. Mỗi ngày trôi qua, số lượng học sinh đến lớp ngày càng ít. Họ phải đến từng nhà vận động phụ huynh các em. Ngoài ra, giữa vùng hoang sơ, những xúc cảm tâm lý phức tạp giữa ba thầy cô cũng được khai thác một cách tinh tế, cân bằng giữa sự ca ngợi lòng tâm huyết với nghề và đồng cảm với những khao khát rất đời thường của họ.
Phim đã chu du khắp các Liên hoan phim trong và ngoài nước, gặt hái nhiều giải thưởng quý giá. Với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Hậu, Hồng Ánh, Tuyết Hạnh, khán giả khó lòng có thể tưởng tượng diễn viên nào khác có thể thay thế các nhân vật đặc biệt của phim.
Điều kỳ diệu mà bộ phim mang lại không chỉ là ánh sáng tri thức hay hơi ấm tình người giữa vùng thung lũng hoang vắng, đơn côi và lạnh lẽo. Cậu bé dân tộc Thào A Dê tham gia vào vai phụ trong phim dường như đã cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng từ thông điệp “chỉ có con chữ mới giúp thoát nghèo” nên đã trở thành người duy nhất ở xã Tả Giàng Phìn đỗ đại học. Cậu cũng đã lựa chọn nghề giáo làm con đường lập nghiệp như tấm gương thầy cô trong phim.
Anh thầy ngôi sao (2019)
Cũng là một bộ phim đề tài nhà giáo nhưng “Anh thầy ngôi sao” của đạo diễn Đức Thịnh lại mang hơi thở đương đại, tươi trẻ, sôi động hơn.
Hoàng là một giáo viên thanh nhạc trẻ nuôi mộng thành ca sĩ. Nhưng có vẻ như anh không được ông trời ban cho giọng ca trời phú, không những thế lại còn nợ nần triền miên. Dòng đời xô đẩy, anh trở thành thầy giáo “bất đắc dĩ” của 5 đứa trẻ làng chài ở một vùng biển xa tít mù khơi so với đất liền. Tất nhiên, nơi đây vừa thiếu thốn lại vừa có quá nhiều những con người lập dị.
Hoàng là hình mẫu một người thầy không hoàn thiện, còn có phần trẻ con, ích kỷ và chỉ biết đến tư lợi cá nhân. Ngay từ ban đầu, việc dạy lũ trẻ đàn hát cũng chỉ phục vụ cho ý muốn cá nhân của anh, tham gia dự thi để nhanh chóng dọn hành lý về đất liền. Nhưng chính sự thiếu hoàn thiện của nhân vật lại khiến cho bộ phim hấp dẫn. Khán giả đi theo chặng đường nhân vật trưởng thành. Trong suốt quá trình gắn bó với lũ trẻ, hiểu được từng gia cảnh và ước mơ của mỗi em, Hoàng đã nhận ra mình phải hoàn thành nghĩa vụ người thầy, giúp lũ trẻ cập bến ước mơ. Từ đó, anh cũng trở nên cứng rắn và trưởng thành hơn.
Với màu sắc hài hước, vui tươi, âm nhạc dễ trở thành hit cùng màn diễn xuất không thể tuyệt vời hơn của Huyme, Miu Lê, Đức Thịnh cùng 5 bạn diễn viên nhí, điển hình nhất là Á quân Giọng hát Việt nhí Minh Chiến đã khiến phim tràn ngập trong tiếng cười và cảm xúc lắng đọng.
Big Brother (Đại sư huynh)
Một bộ phim tiếp theo đến từ châu Á với sự tham gia của Chân Tử Đan trong vai thầy giáo siêu ngầu. Thầy giáo Trần Hiệp bị điều công tác về dạy lớp học cá biệt, tập trung toàn thành phần học sinh lười học và nghịch ngợm. Anh tạo ra một phương pháp dạy học độc đáo, vừa hài hước lại vừa nghiêm khắc khiến cho các học sinh thay đổi dần về suy nghĩ, dẫn đến hành động chăm chỉ học tập hơn.
Phim có Chân Tử Đan sao có thể thiếu vắng những màn võ thuật đánh đấm đỉnh cao. Kịch bản có những cú hích khiến cho những học sinh sa chân vào xã hội đen, buộc thầy giáo Trần Hiệp phải “tái xuất giang hồ”, “trừ gian diệt bạo”. Yếu tố bạo lực trong phim được biến thể hóa thành hài hước nên không khí phim không quá ảm đạm và máu me.
Tuy phim mang bản chất gây cười nhưng những thông điệp xã hội như bệnh thành tích, nạn bạo lực học đường, mâu thuẫn tầng lớp… vẫn tồn tại trên đất nước Hồng Kông vẫn đủ lượng tương tác khiến người xem phải suy ngẫm. Tình thầy trò, tình gia đình, tình bạn hòa quyện cùng nhau khiến phim chân thực như chính những câu chuyện cuộc sống.
Half Nelson (Thầy giáo giang hồ)
Cũng lại là một thầy giáo ngổ ngáo khác nhưng đây là một bộ phim đến từ Mỹ. Trên lớp, thầy giáo trẻ Dan Dunne dường như là một người hoàn mỹ. Anh truyền đam mê tìm hiểu lịch sử tới mọi học trò trường trung học Brooklyn. Trong các giờ ngoại khóa bóng rổ, anh tích cực động viên các nữ sinh tham gia để xóa tan bất bình đẳng. Anh còn là người bạn lý tưởng sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời khuyên hữu ích cho các học trò lứa tuổi ẩm ương.
Tuy nhiên, điều ngổ ngáo của Dan Dunne không phải chuyện đánh đấm như nhân vật của Chân Tử Đan, người thầy này lại sa lầy vào ma túy và nghiện ngập mỗi khi tan trường. Anh điên cuồng, mất lý trí và đã có lúc không giữ được bản chất thánh thiện. Nhưng chính những biến cố từ “con ma trắng” ảnh hưởng tới học trò mình đã khiến anh tỉnh ngộ.
Với một kịch bản nhiều bất ngờ, khai thác tốt tâm lý con người, cài cắm thông điệp đẩy lùi tệ nạn xã hội, phim đã đạt doanh thu gấp 7 lần so với kinh phí sản xuất, mang lại nhiều giải thưởng và đề cử danh giá cho cả bộ phim cũng như diễn viên Ryan Gosling trong vai người thầy phức tạp Dan Dunne.
Whiplash (Khát vọng nhịp điệu)
Cả trong phim lẫn ngoài đời, không phải người thầy nào cũng dễ chịu với học trò. Có những người thầy cực kỳ nghiêm khắc, độc tài khiến học trò hoảng sợ mà phấn đấu không ngừng để đạt tới ước mơ. Một trong số đó là thầy dạy trống Terrence Fletcher ngày đêm “hành hạ” chàng trai trẻ Andrew luyện tập để trở thành nghệ sĩ thực thụ.
Bộ phim được nhào nặn dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn kiêm biên kịch Damien Chazelle – người sau này đã làm nên một bản tình ca Lalaland mộng mơ và khắc nghiệt trong lòng bao khán giả. Với diễn xuất tài tình của diễn viên gạo cội J.K. Simmons, hình ảnh người thầy trọc đầu hà khắc, chỉ mặc một màu đen duy nhất đã ám ảnh người xem trong suốt thời lượng phim phát sóng. Hình ảnh người học trò Andrew liên tục tập trung tập luyện trống trong một không gian hẹp, phía đối diện là người thầy Terrence Fletcher sỉ vả liên hồi dường như đã trở thành biểu tượng của phim.
Nội tâm của thầy Terrence Fletcher rất phức tạp. Thầy là một người tham vọng, hiếu thắng, nham hiểm nhưng cũng là một người thầy yêu thương học trò hết lòng theo cách riêng của mình. Nhưng chính sự dữ dội đó của thầy đã khiến học trò tiến bộ từ xuất phát điểm thấp trở thành nghệ sĩ đích thực, vừa tài ba, vừa kỷ luật.
Xem phim, có lẽ bạn sẽ nhớ về những người thầy cô có phương pháp dạy học nghiêm khắc đã xuất hiện trong thời gian bạn ngồi trên ghế nhà trường. Bạn còn nhớ cảm giác vinh quang khi nhờ họ mà bạn chiến thắng chính mình không? Hãy chia sẻ cùng Rạp Chiếu Phim nhé, còn giờ thì chuyển sang phim tiếp theo thôi.
Lean On Me (Hãy dựa vào tôi)
Lại là một bộ phim khác có hình tượng giáo viên kỷ luật thép. Phim dựa trên một câu chuyện có thật về thầy hiệu trưởng Joe Clark trường trung học Eastside đã từng xuất hiện trên Tạp chí Time năm 2008. Từ một ngôi trường danh tiếng không thấy đâu mà chỉ toàn tai tiếng, trường Eastside đã rơi vào tình thế khó lòng cứu vãn khi chính quyền đưa ra lời thách đố nếu như 75% học sinh không vượt qua bài thi kỹ năng, sẽ đóng cửa trường học.
Thầy Joe Clark khi về đây làm hiệu trưởng đã áp dụng phương pháp quân đội vào ngôi trường đang bung bét. Giáo viên phải nghiêm túc hơn với nghề. Học sinh nào dính vào tệ nạn, thầy sẵn sàng ra tay đuổi thẳng khỏi trường. Hàng ngày, thầy áp dụng lịch học, lịch ôn tập, lịch tập luyện nâng cao sức khỏe cho học sinh chuẩn từng phút một.
Ban đầu, học sinh quen sống tự do chỉ thấy thầy Joe Clark như “ác quỷ” từ đâu xuất hiện, nhưng chính nhờ sự thay đổi mạnh bạo ấy, ngôi trường mới “thay máu” và vươn lên sánh ngang với những nơi khác. Thầy Joe Clark đảo ngược tình thế, trở thành “thiên thần” trong mắt học trò.
Bộ phim ra đời từ năm 1989 nhưng những vấn đề phim đề cập vẫn còn rất hợp thời. Kịch bản đan xen giữa yếu tố chính kịch và hành động khiến phim dồn dập, hấp dẫn người xem.
Won’t Back Down (Không lùi bước)
Không phải thầy cô giáo nào cũng xuất phát từ ngành giáo dục. Như hai nhân vật phụ nữ trong phim, một người là bưu tá, một người là phóng viên nhận tiếp quản một ngôi trường công đang ngày càng xuống cấp. Học sinh là những đứa trẻ địa phương, trong đó có cả con cái của hai người.
Khi trở thành những giáo viên “bất đắc dĩ”, họ vừa phải kết hợp quản lý nhà trường đưa ra những nội quy phù hợp, vừa đảm nhận vai trò giáo dục cho lũ trẻ. Họ còn có sứ mệnh lớn lao hơn, đưa ngôi trường vào cuộc đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc và phân biệt giai cấp.
Tuy phim không được lòng giới phê bình vì những thông điệp xã hội đưa ra chưa được tinh tế nhưng đây vẫn là một bộ phim đáng xem khi kết hợp tuyệt vời giữa mối quan hệ nhà trường và gia đình. Phim nhấn mạnh tầm quan trọng của những người giáo viên khi hợp tác với phụ huynh để lắng nghe và thấu hiểu những đứa trẻ mới lớn.
Freedom Writers (Những cây viết tự do)
Cũng lấy chủ đề phân biệt giai cấp trong nhà trường, nhưng bộ phim này làm tốt hơn Won’t Back Down ở trên, phim được lòng cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng. Dựa trên một câu chuyện có thật với bối cảnh California (Mỹ) những năm 90 khi xung đột giai cấp lên đến đỉnh điểm. Cô giáo viên Ngữ Văn trẻ Erin Gruwell về dạy lớp 203 với những học sinh cá biệt luôn giữ thái độ không đoàn kết trong lớp, lại còn ghét cay ghét đắng một cô giáo da trắng suốt ngày giảng đạo lý.
Nhân vật Erin Gruwell là một hình tượng giáo viên lý tưởng, khi cô sẵn sàng gạt bỏ định kiến, hăng say với nghề giáo và tận tụy tìm hiểu từng gia cảnh của học sinh để tìm cách tháo gỡ.
Nếu bạn chọn nghề giáo để lập nghiệp nhưng lại nản lòng, hãy xem bộ phim này để được truyền lửa yêu nghề. Cô giáo Erin Gruwell đã biến mỗi học sinh ngỗ ngược trở thành một cây viết cá tính. Tất cả những bài văn của lớp 203 đã được in thành sách, phát hành trên khắp thế giới và trở thành hiện tượng giáo dục gây xôn xao dư luận Mỹ. Học cách lắng nghe và thấu hiểu – có lẽ trở thành kim chỉ nam sâu sắc nhất cho mọi giáo viên.
Chalk (Phấn trắng)
Nào, cùng thay đổi không khí với một bộ phim mang đậm phong cách tài liệu. Với 4 nhân vật gồm người quản lý là thầy phó hiệu trưởng và ba giáo viên, phim kể 4 câu chuyện song song nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi người thầy đều có quá nhiều điều để chia sẻ liên quan đến môi trường sư phạm, cách đổi mới giáo dục, mối quan hệ thầy trò, những khó khăn gặp phải và quan trọng hơn, điều gì đã khiến họ vẫn còn giữ lửa trụ vững với nghề giáo viên?
Những vấn đề cá nhân nhạy cảm như ý muốn thăng tiến, mặt trái của giáo dục… cũng được bộ phim tài liệu khai thác triệt để, khiến khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về chân dung người thầy.
My Octopus Teacher (Cô giáo bạch tuộc)
Cuối cùng, Rạp Chiếu Phim giới thiệu tới các bạn một cô giáo đặc biệt mang tên Bạch Tuộc. Đây là bộ phim mới ra mắt của Netflix khiến cho khán giả trầm trồ khi loài bạch tuộc đã dạy con người biết bao bài học quý giá và xứng đáng trở thành người thầy của nhân vật chính. Phim đạt điểm tuyệt đối 100% cà chua tươi và 8,4/10 điểm IMDb.
Craig Foster gặp cô giáo định mệnh của đời mình trong lúc anh đang khó khăn nhất, rơi vào tuyệt vọng với những áp lực của cuộc sống. Anh dành nhiều ngày tham gia lặn khám phá đại dương và gặp cô giáo bạch tuộc ở vùng biển Cape Town, Nam Phi.
Anh dành thời gian tìm hiểu đời sống của cô giáo bạch tuộc và nhận ra cô có khá nhiều kỹ năng sinh tồn đặc biệt như ngụy trang, thích nghi, sử dụng trí khôn để săn mồi… Cô đối nghịch lại với sự yếu đuối mà chàng trai đang phải trải qua. Trong suốt quá trình làm quen với biển và cô giáo bạch tuộc, Craig Foster đã dần trưởng thành hơn. Anh học được kỹ năng lặn chuyên nghiệp, yêu mến đại dương và có động lực vươn lên trong cuộc sống. Bạn thấy đấy, bất kể ai trong cuộc sống này, tại một thời điểm nào đó cũng có thể trở thành thầy cô dạy bạn những bài học bổ ích.
Tuy nhiên, với ý tưởng độc đáo, phim cũng gây ra làn sóng tranh cãi khi mối quan hệ giữa nhân vật chính và cô bạch tuộc có phải là một biến thể tình yêu và ham muốn thân thể hay không? Dù những phỏng đoán được đưa ra rất trái chiều nhưng đây vẫn là một bộ phim tài liệu thú vị thể hiện sự liên kết giữa thiên nhiên và con người. Sinh vật tự nhiên có khả năng chữa lành vết thương và thúc đẩy lòng yêu sống của con người.
Vậy là Rạp Chiếu Phim đã giới thiệu đến bạn “Top 10 phim về thầy cô giáo đáng xem trên màn ảnh”. Bạn thích mẫu hình thầy cô nào nhất? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi tại fanpage và group nhé. Dạy và học là hai hoạt động gắn bó không thể tách rời. Trong quá trình dạy học sinh, người thầy cũng nhận lại những điều thú vị. “Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở”, Rạp Chiếu Phim mong rằng từ những bài học bạn tiếp thu, bạn sẽ trở thành người hoàn thiện cả về kiến thức và tâm hồn. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Rạp Chiếu Phim trân trọng chúc các thầy cô sức khỏe tràn trề, lý tưởng cao đẹp và nhiệt huyết đong đầy trên chặng đường giáo dục của mình.
Bình luận (0)