Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
Gây ra rất nhiều tranh cãi ngay từ khi thông báo chú chó Shiba của Nhật Bản đảm nhận vai chính Cậu Vàng – trong tác phẩm văn học kinh điển Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Cậu Vàng sau khi chính thức được ra rạp, lại tiếp tục dấy lên tranh cãi không hề nhỏ.
Cậu Vàng được giới thiệu là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt với diễn viên chính không phải là con người. Tuy nhiên thự tế Cậu Vàng chỉ được mượn để nói về thực trạng xã hội Việt Nam vào những năm 40 của thế kỷ trước, khi người dân vẫn còn nằm trong ách thống trị của thực dân Pháp.
Đầu tiên cần phải nói rằng Cậu Vàng là bộ phim được lấy cảm hứng từ tác phẩm Lão Hạc, chứ không phải là phim được chuyển thể. Chính vì vậy Vàng hay lão Hạc chỉ là một phần của câu chuyện, nếu ai kỳ vọng rằng bộ phim sẽ xoay quanh hai nhân vật này như Rạp chiếu phim chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng không hề nhẹ.
Người dân ta vào những năm 40 thế kỷ trước phải sống trong một xã hội phong kiến, bị áp bức và bóc lột bởi những kẻ có quyền có thế. Chúng một tay che cả bầu trời, khiến dân đen rơi vào những tháng ngày lầm than không từ ngữ nào có thể diễn tả nổi cảnh tượng đó.
Lão Hạc là một trong những nhà nghèo nhất trong xóm, vợ mất sớm, con trai vì muốn chuộc thân cho người yêu nên bị ép phải đi phu ở đồn điền cao su mãi trong Đồng Nai. Nhà chỉ còn mình lão Hạc lủi thủi với Cậu Vàng. Một ông lão không biết phải làm gì để kiếm sống, tôm cá ngoài đồng dần hết, đất nhà lại bị Bá Kiến muốn cướp vì là mảnh đất có long mạch. Những tháng ngày cuối đời của lão Hạc thực sự là những ngày tăm tối, chịu đói, chịu khổ, chịu cô đơn một mình, không có ai ở bên cạnh.
Phần đầu phim, vai trò của lão Hạc và cậu Vàng được đề cao khi phần lớn thời lượng phim đều dành cho hai nhân vật này. Tuy nhiên càng về sau, đất diễn của họ càng trở nên ít dần. Nếu lão Hạc thi thoảng vẫn xuất hiện thì cậu Vàng gần như biến mất hoàn toàn cho đến cuối. Bộ phim khi đó chuyển qua chuyện gia đình Bá Kiến và cách chúng lợi dụng chức quyền để chèn ép dân đen, cướp bóc tất cả mọi thứ về mình, gồm cả việc phá bỏ ban thờ nhà người khác.
Chỉ với 100 phút thời lượng phim, nhưng đạo diễn lại muốn mang quá nhiều thứ vào trong cùng một tác phẩm. Từ tội ác của Bá Kiến đến cuộc sống nghèo đói của người dân, từ cam chịu cho đến nổi dậy đấu tranh, từ đói khổ đến quyết định giải thoát cho chính bản thân mình…. Tất cả những điều đó khiến nhịp phim trở nên rời rạc, chưa thực sự kết nổi được với nhau và vai trò của Cậu Vàng khi kết nối diễn biến phim trở nên mờ nhạt.
Dẫu vậy vẫn không thể phủ nhận, Cậu Vàng đã mang đến cho khán giả cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống bần cùng dưới đáy xã hội của người dân thời xưa. Có lẽ chúng ta, những người sống trong cuộc sống no đủ ngày nay sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được cuộc sống nghèo khổ và tủi nhục của người dân thời đó.
Cậu Vàng Shiba – nhân vật gây tranh cãi nhất, được gắn mác nam chính nhưng hóa ra lại là thứ phụ. Cậu Vàng trong phim tròn ủm, béo nung núc, rất thông minh và đôi mắt rất có hồn. Thực sự dù có nhiều tranh cãi quanh Cậu Vàng đi chăng nữa, Rạp chiếu phim vẫn cảm thấy Cậu Vàng đã hoàn thành tốt vai trò của mình.
Nghệ sĩ Viết Liên được giao trọng trách đảm nhận vai chính lão Hạc. Diễn xuất của bác rất tốt, nhưng có vẻ như tạo hình của bác thật sự chưa phù hợp. Trong bối cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, phải nhường miếng cơm cho con chó, nhưng gương mặt của lão vẫn rất đầy đặn, có da có thịt, nếu không muốn nói là đầy sức sống. Thêm vào đó những cảnh tương tác của lão Hạc và cậu Vàng đôi khi rất gượng ép, giống như kiểu vồ vập và giữ chặt để cậu Vàng không thoát khỏi bàn tay lão Hạc vậy.
Vai Lý Cường của Will có rất nhiều đất diễn, nhưng đây là một nhân vật quá nặng so với Will. Lý Cường là một kẻ cực kỳ độc ác, nhưng lại rất khúm núm trước cha mình, chịu bất lực trước Binh Tư và có mối căm thù sâu nặng với cậu Vàng. Nhưng diễn xuất của Will khá một màu, dù có gồng mình thì vẫn chưa thể hiện tốt nhân vật Lý Cường.
Các tuyến nhân vật khác như nghệ sĩ Hữu Châu, nghệ sĩ Chiều Xuân, Băng Di… đều có phần thể hiện tốt. Băng Di khi đứng cạnh những nghệ sĩ tên tuổi không quá bị khớp, cô vẫn tạo ra được nét riêng của mình.
Cậu Vàng có phần bối cảnh được dàn dựng tốt, cho thấy được sự đối lập của của sống Lý trưởng và dân đen. Nếu mái nhà tranh của lão Hạc lỏng lẻo, chẳng có gì ngoài manh chiếu rách và vài tấm phản vừa để kê giường, vừa để đóng quan. Thì nhà của Lý trưởng đầy sơn son thiếp vàng, quần áo lụa là, vàng ngọc đeo đầy người. E-kip làm phim đã thực đầu tư rất nhiều vào bối cảnh phim.
Tuy nhiên, phần kỹ xảo phim lại khá tệ. Khán giả có thể dễ dàng nhận thấy có rất nhiều cảnh xử lý kỹ xảo khá tệ. Nhiều khung hình rất mờ, giống như là video chất lượng thấp, tông màu phim liên tục thay đổi trong cùng một cảnh, đặc biệt là cảnh trận chiến của đàn chó cuối phim thực sự “ảo tung chảo”.
Cậu Vàng hiện đang được công chiếu trên toàn quốc và dù có rất nhiều ý kiến trái chiều, song Rạp chiếu phim vẫn cảm thấy bộ phim này không phải là tệ. Vậy nên bạn hãy tự mình đến rạp để thưởng thức và có những nhận xét của riêng mình nhé.
Chúc các bạn xem phim vui vẻ và hãy chia sẻ ý kiến của mình về Cậu Vàng để có cơ hội nhận được những phần quà hấp dẫn đến từ Rạp chiếu phim nhé.
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG
Rapchieuphim team
Cách chúng tôi đánh giá một bộ phim
Chê Phim
CẬU VÀNG - là phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, còn lấy tên phim là Cậu Vàng nữa nhưng câu chuyện của Lão Hạc và Cậu Vàng không phải là nội dung chính của phim. Mình rất dễ tính, là người xem phim đơn thuần thôi, không quan tâm những lùm xùm trước đó...... Mà không phủ nhận được, đây là bộ phim TỆ.
Gia đình Lão Hạc (Cò, Cậu Vàng) đang sống an lành trên mảnh vườn do ông cha khai hoang để lại thì bất ngờ tai họa ập đến. Nguyên nhân là địa chủ Bá Kiến muốn chiếm đoạt (ép bán lại) mảnh vườn vì trên đó có cái Giếng nước cổ, được thầy bói cho đó là “Long Mạch“ của làng. Bằng nhiều thủ đoạn, từ gạ bán đến thuê lưu manh phá phách, đầu độc cậu Vàng đến ép khống thuế… gia đình Bá Kiến quyết đẩy Lão Hạc tới con đường cùng.Nhưng với sự giúp đỡ của những người hàng xóm tử tế chân chất như vợ chồng Giáo Thứ và đặc biệt là "Cậu Vàng".... nhưng rồi sự thật bao giờ cũng phủ phàng....
Là bộ phim có nhiều câu chuyện chứ không riêng câu chuyện của Lão Hạc. Đạo diễn có lẻ quá tự tin và tham lam khi nghỉ rằng mình có thể làm ra bộ phim chỉn chu khi có nhiều câu chuyện và nhiều tuyến nhân vật đan xen sao?? Quá sai lầm luôn, khi mình chưa thấy sự nghiêm túc và tâm huyết trong bộ phim này. Câu chuyện của phim được xây dựng vô cùng lan man và thiếu liên kết luôn, có nhiều câu chuyện khác nhau mà chẳng câu chuyện nào được làm ra hồn....
Là phim lấy cảm hứng từ tác phẩm Lão Hạc, mà thấy hứng cho có thôi chứ chả thấy cảm ở đâu. Câu chuyện của Lão Hạc và Cậu Vàng cực kỳ nhạt nhoà trong phim luôn, mốc thời gian xuất hiện không hợp lý, muốn bỏ vào lúc nào thì bỏ à, chỉ bỏ vào cho có theo dòng thời gian cho đến Lão Hạc qua đời như trong truyện thôi. Chứ phim châm châm khai thác về cuộc tình tay ba giữa ông Bá Kiến, Lý Cường và Mợ Ba, nhưng câu chuyện này cũng nhạt nhoà không kém, triển khai cực kỳ hời hợt và thiếu chuyên nghiệp, dù cho nhiều sự việc được diễn ra, nhưng kịch tính cao trào không đủ nên xem thấy không được hấp dẫn. Và thêm cái kết đuối không thể tả nỗi....
Được cái phim cho thấy cảnh chân thật của người dân thời phong kiến, phải sống một bần cùng nghèo khó khi luôn bị những kẻ cấp trên chèn ép ăn chặn và nâng tiền thuế. Cố nhà văn Nam Cao sáng tác tác phẩm văn học này để cho chúng ta thấy được con người thời xưa khổ như thế nào và đồng thời cũng phản ánh hiện trạng của Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám.
"SPOIL", những đoạn tiết lộ thông tin phim, bạn nào chưa xem phim thì có thể bỏ qua đoạn này:
Binh Tư: biết ơn Cậu Vàng và Lão Hạc thì không thấy đi giúp họ, mà đi giúp Mợ Ba xong nói là con chó con biết giúp người huống chi con người? Giúp người cần giúp không giúp, giúp không đúng người để rồi mất mạng.
Cò: nhân vật ít đất diễn nhưng lại về xong có cái kết.... Tự dưng trốn đi làm mất biệt rồi về chuộc bà Cải xong có cái kết đẹp. Nhân vật gì cho chút thời lượng đầu, xong chút thời lượng cuối, về cái kiếm bà Cải liền chứ không đến mộ ba mình trước, còn lúc trước mộ ba thì mặt vẫn chưa cảm nhận nỗi là nhân vật này đang buồn.
Cậu Vàng bị cột tứ phương, mà quay cận con dao làm gì?? Ý là con chó lấy dao cắt dây để thoát á hả?...
Rồi thêm nó lúc lính của Lý Cường đánh nhau với Binh Tư, thay vì đánh Binh Tư thì đi đuổi theo Mợ Ba đang chạy trốn kìa. Đuổi theo mà bắt không được thì coi cũng đở tức.... tự dưng đánh ông Binh Tư cho bà kia trốn tỉnh bơ.
Đoạn cả bầy chó vào cắn Lý Cường, quay cảnh tối nên ghép lên nó ảo tung chảo luôn. Còn nhiều sạn lắm luôn mà không nhớ để kể.....
DIỄN XUẤT:
Phải xin khen chú Hữu Châu và chú Viết Liên, hai chú có diễn xuất gánh được phần nào của phim. Chú Hữu Châu vào vai một Bá Kiến xảo quyệt & vô cùng thâm sâu thì ngược lại chú Viết Liên là người tốt bụng và tràn ngập lòng yêu thương, đoạn mà Lão Hạc với giọng nói buồn bã khi không có Cậu Vàng ở bên khiến mình nổi nổi da gà và mang mác buồn.
Will với Băng Di khi chiếm thời lượng nhiều nhưng diễn xuất còn hạn chế. Gương mặt của Will khá liền nên không phù hợp với vai phản diện độc ác lố lăng này, còn Băng Di thì còn nhiều đoạn Đơ.
Phần lớn diễn viên đều lồng tiếng Bắc nên sẽ thấy thiếu tự nhiên, nhưng biểu cảm được bộc lộ tốt nên cũng không ảnh hưởng nhiều. Không hiểu sao chỉ riêng bà Băng Di là không lồng tiếng, chắc do không tìm giọng nào hợp.
Cậu Vàng trong phim thì cũng có nhiều pha ấn tượng lắm, sau một thời gian huấn luyện thì biết mình phải làm gì và kết hợp với các diễn viên vô cùng tốt. Còn các bạn nghỉ sao? Chó Nhật đó...
HÌNH ẢNH, ÂM THANH:
Bối cảnh của phim được sắp xếp chỉn chu, nhưng cảnh quay thì lại chán đời, cảnh quay rung lắc liên tục, đoạn quay tối thì để cho tối thui luôn, không thêm chút đèn để tăng chất lượng hình ảnh. Còn màu phim được chỉnh quá lố, đậm lè và chói mắt, mà còn đổi màu lia lịa nữa chứ, nhiều tông màu lúc nhạt lúc đậm. Còn Kỹ xảo thì cùi bắp..... thua cả mấy phim trên Youtube.
Âm thanh cũng không gì đặc biệt, mình cũng chẳng để ý nổi đến phần này... Thôi để Hình ảnh với âm thanh toang chung luôn vậy.
Kết luận: gạo sàn thì vẫn còn sạn, nhưng gạo này không sàn vẫn thấy sạn nha, nếu xem mà để soi thì chắc soi hoài vẫn thấy sạn. Là một phim điện ảnh mà lại nghèo nàn về mặt hình ảnh âm thanh đến vậy luôn...... Nếu dư tiền thì xem phim này nhé, là bộ phim dưới trung bình luôn và nên cân nhắc. 4/10đ... Hết.
CẬU VÀNG - "TOANG" QUÁ RỒI!!!!
Đầu năm 2021 có lẽ như mình đã thực sự tụt mood rất nặng khi mình đã xem xong bộ phim Cậu Vàng. Cho mọi người chưa nắm rõ thì đây là bộ phim gây ra rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua từ casting chú chó, cho tới ngày ra mắt. Vì sao mình tụt mood nặng như vậy, thì xin mời các bạn đọc ngay cả tấn lý do vì sao qua bài cảm nhận của mình sau đây.
Cậu Vàng là bộ phim lấy cảm hứng từ những văn học từ cố nhà văn Nam Cao và tâm nguyện của NSND Bùi Cường. Trong khi bản văn học gây xúc động biết bao nhiêu người, thì trong phim thì ngược lại hoàn toàn, và nguyên tắc phá vỡ hoàn toàn.
Mình sẽ phân tích ra cái ƯU và cái NHƯỢC, bắt đầu với "ƯU" trước:
NHƯỢC... cái NHƯỢC hơn cả ƯU nha:
Đây là lần đầu tiên trong bài đăng ở RapChieuPhim mà mình review không tốt về phim này, và bạn nào có ý định xem phim Cậu Vàng thì hãy cân nhắc trước khi xem nhé. Còn không thì mọi người nên bỏ tiền vé xem Em Là Của Em của Ngô Kiến Huy là ok hơn đó. Chứ về Cậu Vàng thì toang hơn cả chữ toang!
Chốt: Cậu Vàng là bộ phim nhiều thị phi nhất đầu năm 2021, và bộ phim mang chất lượng không tốt về mặt bằng chung.
Đánh giá: 3,5/10
Cậu Vàng - Câu Chuyện Về Chú Chó Thông Minh Hết Lòng Vì Chủ.
Với những khán giả đã từng đọc qua các áng văn của nhà văn Nam Cao thì sẽ biết rằng bộ phim này không phải chuyển thể riêng từ tác phẩm Lão Hạc mà là sự kết hợp và lấy cảm hứng của nhiều truyện ngắn nổi tiếng của ông như Lão Hạc, Sống Mòn và Chí Phèo khi có sự kết hợp dàn nhân vật của làng Vũ Đại. Bộ phim Cậu Vàng còn là tâm nguyện cuối cùng của NSND Bùi Cường, người đã chấp bút kịch bản vì muốn mang các nhân vật kinh điển lên màn ảnh rộng.
Nội dung và phân tích phim:
Cốt truyện chính của tác phẩm xoay quanh gia đình lão Hạc với cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Lão chỉ có tài sản đáng giá duy nhất là mảnh vườn để lại cho con trai. Vì người yêu bị bắt đi trả nợ cho gia đình cụ Bá Kiến, con trai lão quyết định bỏ vào Nam làm đồn điền cao su để kiếm tiền chuộc lại người mình thương yêu. Lão Hạc từ đấy chỉ quây quần bên Cậu Vàng mà lão xem như con cháu trong nhà. Thế nhưng, cuộc sống của họ không thể yên bình khi Bá Kiến tin rằng long mạch của làng đang ở phía dưới đất vườn nhà lão Hạc và quyết chiếm cho bằng được. Bá Kiến cùng con là Lý Cường hết xui người phá hoại mảnh vườn đến đánh bả Cậu Vàng để phục vụ mưu đồ đen tối. Cuộc sống ngày càng nghèo khổ, lão Hạc phải mang bán chú chó mà mình coi như người thân với nỗi đau khôn nguôi.
Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy vẫn là bộ phim nói về nỗi cùng cực, số phận của người nông dân trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Những con người thấp cổ bé họng đến lừa cả một con chó để dành tiền cho con. Họ chịu mọi sự tủi nhục, vợ phải hầu hạ quan trên, bị bắt bớ vô cớ, phải đóng thuế cắt cổ hay chịu mọi sự giày vò nếu không được lòng bọn cầm quyền. Những nhân vật Cậu Vàng, Lão Hạc, gia đình Bá Kiến, Binh Tư, Giáo Thứ... trở nên gần gũi và thân thuộc hơn bao giờ hết. Với sự phát triển của thời đại, bộ phim đã có những điều chỉnh khác hoàn toàn với tác phẩm văn học nhằm tạo nên sự hy vọng về tương lai hơn là những cuộc sống bị bóp nghẹt trong xã hội cũ. Đặc biệt nhân vật Cậu Vàng được xây dựng rất thông minh, khiến bọn ác bá cường hào phải phần nào trả giá vì tội ác của mình. Việc phát triển Cậu Vàng chủ động giúp phần sau của bộ phim như phát triển thành "Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã" phiên bản Việt vậy.
Diễn viên và diễn xuất:
Với dàn diễn viên gạo cội như nghệ sĩ Hữu Châu, Chiều Xuân, Viết Liên, Khánh Huyền và dàn diễn trẻ đẹp Will, Băng Di, Trần Nam, Thanh Bình.... đã góp phần tạo nên một tổ hợp diễn xuất tốt và tạo tiền đề cho thành công của tác phẩm.
Bá Kiến của nghệ sĩ Hữu Châu được thể hiện tốt khi vẻ ngoài của chú đã thể hiện sự tàn ác và ma mãnh của một tên ác bá cường hào. Thế nhưng, vai diễn này hoàn toàn có thể đầu tư hơn vì nhân vật ác vẫn chưa tới, chưa đã. Trong suốt bộ phim, người ra vẫn chưa thấy Bá Kiến ra tay mà chủ yếu chỉ giao việc cho Binh Tư và Lý Cường.
Nghệ sĩ Viết Liên khắc họa tròn vai lão Hạc khi sự khắc khổ luôn hiện diện trên gương mặt ông. Ông thể hiện tốt tấm lòng thương yêu con đến cái bất lực và đau đớn khi phải bán đi Cậu Vàng.
Hai diễn viên Băng Di và Will cũng được phân bổ nhiều đất diễn và làm tốt vai trò của mình. Đặc biệt, Băng Di có một vai diễn hay khi có nhiều chiều sâu và nói lên thân phận của người phụ nữ phong kiến. Còn Will thì phần nào tạo nên một Lý Cường tàn bạo, luôn ức hiếp người cô thế. Tuy nhiên, nam diễn viên cần cố gắng hơn rất nhiều vì vai diễn này dường như là "chiếc áo quá khổ" với anh. Ở nhiều phân đoạn, Lý Cường chỉ ác qua lời nói hay những cái trợn mắt vô hồn mà thôi.
Bộ phim còn có một diễn viên đặc biệt là chú chó thông minh khi có những biểu cảm sinh động từ vui mừng, dễ thương khi gặp chủ, lo lắng khi bị bắt đến hung dữ khi chống lại kẻ thù. Nhưng cũng vì muốn xây dựng một chú chó thông minh, bộ phim lại gây tranh cãi khi một chú chó Nhật vào vai Cậu Vàng.
Hình ảnh và âm thanh:
Bối cảnh trong phim được quay tại làng cổ Đường Lâm và Ninh Bình nên rất đẹp, thơ mộng. Nhờ đó, tác phẩm phần nào tạo nên cái không gian nông thôn xưa cũ của làng quê Việt Nam một cách chân thực, sinh động. Những hình ảnh múa rối nước, họp làng hay đóng sưu thuế cũng được nhà làm phim chú ý xây dựng lại.
Âm thanh được đầu tư với các bài hát mang không khí cổ truyền như hát xẩm. Ca khúc chủ đề phim Chuyện Làng Tôi do ca sĩ Tùng Dương thể hiện cũng rất phù hợp với bộ phim với ca từ nhẹ nhàng, da diết.
Tuy nhiên, nhà sản xuất lại mắc một sai lầm lớn với kỹ xảo nhiều phân đoạn rất giả, màu phim không đồng nhất và một số hình ảnh với độ phân giải rất thấp.
Nhìn chung, nếu bỏ đi các lùm xùm không đáng có thì Cậu Vàng là tác phẩm lấy cảm hứng từ những tác phẩm kinh điển với nội dung nhân văn, dàn diễn viên hợp vai và bối cảnh, âm thanh được đầu tư, tuy vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục.
Bộ phim mới được ra mắt chính thức kể từ ngày 8.1.2021 tại các rạp chiếu toàn quốc.