Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
Làm thế nào để những bộ phim điện ảnh Việt có thể được thành công như những tác phẩm điện ảnh đến từ Hollywood? Đó là câu hỏi mà nhiều nhà làm phim trăn trở nhưng cũng có nhà làm phim đã làm được điều đó như Em chưa 18.
Vậy điều gì giúp Em chưa 18 có thể mang về doanh thu 175 tỉ đồng và trở thành bom tấn của nền điện ảnh Việt. Không chỉ các nhà sản xuất phim mà khán giả cũng muốn khám phá bí quyết thành công của tác phẩm này.
Thế nhưng câu trả lời chính xác dành cho câu hỏi trên là không có một công thức cụ thể nào có thể mang lại thành công cho một tác phẩm điện ảnh. Một bộ phim muốn thành công khi được công chiếu tại rạp cần phải hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.
Nhà sản xuất biết mình muốn gì
Vì sao các dự án bom tấn của Hollywood ví dụ như Star Wars đã bước sang phần 8 với Star Wars 8: Jedi cuối cùng sẽ ra rạp vào tháng 12 tới, Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xét định dạng 3D được làm lại từ bản gốc năm 1991…. Đó là bởi vì nhà sản xuất và đạo diễn tại Hollywood biết chắc chắn rằng họ đang muốn làm gì. Từ đó họ sẽ đầu tư chỉn chu ngay từ đầu, mang đến cho khán giả yêu điện ảnh một tác phẩm xuất sắc và khiến khán giả phải chờ đợi đến phần tiếp theo của bộ phim.
Hiểu được mình muốn gì có thể là điều đơn giản với các nhà làm phim Hollywood bởi vì đó là nơi quy tụ những tài năng hàng đầu thế giới. Còn tại Việt Nam, nền điện ảnh non trẻ vẫn còn đang bước vào giai đoạn chập chững ra mắt với nền điện ảnh thế giới thì đó quả là một chặng đường còn rất dài.
Một ví dụ rõ ràng là các bộ phim điện ảnh Việt thường là tác phẩm điện ảnh kết hợp nhiều yếu tố như: hành động - hài, kinh dị - hài… Điện ảnh các nước trên thế giới họ cũng có những tác phẩm kết hợp như vậy, nhưng điều họ làm được là kết hợp các thể loại đó một cách nhuần nhuyễn, tinh tế và khéo léo dẫn dắt khán giả thả hồn vào câu chuyện. Còn tại Việt Nam, các nhà làm phim vẫn chưa đủ tầm để có thể sản xuất một bộ phim kết hợp nhiều yếu tố như vậy. Ví dụ như tác phẩm Tấm Cám: Chuyện chưa kể; bộ phim kết hợp nhiều yếu tố như thần thoại giả tưởng, tình yêu, hài… quá nhiều yếu tố kết hợp trong bộ phim nhưng không được xử lý tốt nên bộ phim bị khán giả và giới chuyên môn đánh giá khá nhạt.
Trong khi đó, Em chưa 18 được đạo diễn và nhà sản xuất hướng đến đối tượng khán giả cụ thể là lứa tổi học sinh thời hiện đại. Một trường học đẳng cấp quốc tế bao gồm những hot boy, hot girl; những bài thi cuối kỳ không quan trọng bằng buổi party; tình yêu học trò được công khai và tình dục học đường được đề cập đến một cách khéo léo… Những điều học sinh tuổi thời hiện đại mong muốn, đạo diễn đều đáp ứng đủ và vậy là bộ phim đã chiến thắng một cách thuyết phục, phá vỡ mọi kỷ lục điện ảnh Việt từ trước tới giờ.
Đừng thử dự đoán sở thích của khán giả
Nhiều nhà làm phim thường cố tìm hiểu xem khán giả đang muốn xem gì? Thế nhưng để trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản. Bởi vì sở thích của mỗi người thường khá thất thường, ngày hôm nay bạn thích thể loại hành động nhưng khi xem một tác phẩm hấp dẫn như IT – Chú hề ma quái, bạn sẽ nhanh chóng chuyển sang dòng phim kinh dị. Vì vậy nhà sản xuất nếu muốn đợi đến khi khán giả muốn xem gì rồi tiến hành sản xuất thì dự án điện ảnh đó gần như cầm chắc thất bại.
Có một sự thật là các nhà làm phim Hollywood, Hàn hay Trung đều có sự phân hóa rõ rệt. Bạn có thể thấy rõ ở một thời điểm các bộ phim hành động được công chiếu rất nhiều, nhưng sau đó khoảng 2 – 3 tháng là cơ hội lên ngôi của dòng phim kinh dị hay phim hoạt hình…. Xu hướng tại mỗi thời điểm khác nhau, nắm được xu hướng của khán giả chính là nhà sản xuất phim đã có trong tay đến 70% thành công cho bộ phim.
Nhưng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, chưa có một dòng phim nào đủ mạnh để lôi kéo khán giả đến với rạp. Em chưa 18 dù thành công vượt ngoài sức tưởng tượng, nhưng sau khi tác phẩm này ra đời, dòng phim về lứa tuổi học đường không được nhà sản xuất tiếp tục khai thác. Chỉ là một đốm sáng nhỏ rồi vụt tắt, không có những đốm sáng tiếp theo để tạo thành con đường cho khán giả nên sự thất bại của các tác phẩm điện ảnh Việt là điều dễ hiểu. Đừng cố thắc mắc vì sao nền điện ảnh Việt không thể sánh tầm với Hàn Quốc, Trung Quốc; đó là bởi vì chúng ta còn thiếu quá nhiều đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất sẵn sàng chạy theo thành công nhất thời và tạo ra trào lưu điện ảnh mới.
“Rốt cuộc những phim thành công nhất lại là những phim mà người ta không chờ đợi nhất” – đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ và những thành công của Em chưa 18, Em là bà nội của anh là điều không thể nào phủ nhận.
Dám dấn thân vào vai diễn mới
Một trong những nhược điểm của nền điện ảnh Việt là các nhà làm phim không dám thực hiện những dự án mới. Dàn diễn viên nổi tiếng không dám thoát khỏi cái bóng của chính mình, không đủ can đảm để thử sức trong những dòng phim khác nhau. Vì vậy các bộ phim Việt và dàn diễn viên bị đánh giá một màu, nội dung phim nhàm chán và không có gì hấp dẫn.
Chính vì vậy điện ảnh Việt cần phải thay đổi. Nhà sản xuất, đạo diễn và dàn diễn viên đều phải sẵn sàng mang đến những điều mới lạ cho tác phẩm điện ảnh của mình. Có như vậy cơ hội thành công sẽ lớn hơn so với những bộ phim có nội dung đóng khung, nhạt nhẽo trước đó.
Bình luận (0)