Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
2020 là một năm đầy biến động và đáng quên đối với nền công nghiệp điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong suốt nửa năm qua, phần lớn các hệ thống rạp trên thế giới đều đã phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính phủ các nước do lo ngại dịch bệnh. Hàng loạt các bom tấn như Black Widow, James Bond, Fast & Furious 9… lần lượt bị dời lịch chiếu đến cuối năm, thậm chí một số phim còn lùi hẳn một năm cho chắc ăn.
Những tưởng rằng điện ảnh thế giới sẽ bước vào thời kỳ đóng băng dài. Tuy nhiên nhờ các biện pháp phòng chống dịch tốt, mà Việt Nam đã có thể quay trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường từ đầu tháng 5, kéo theo đó các rạp chiếu phim trên toàn quốc đã quay trở lại mở cửa. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì lĩnh vực này hiện vẫn đang khá trầm lắng, trong đó có nhiều bộ phim vắng bóng người xem mà nguyên nhân … không đến từ Covid.
Dưới đây là top 5 bộ phim được Rạp chiếu phim đánh giá là thảm họa điện ảnh trong nửa đầu năm 2020. Hãy cùng điểm danh xem bạn đã theo dõi những tác phẩm nào nhé.
1. Ác mộng kinh hoàng
Review phim:
Đứng đầu trong danh sách này theo cảm nhận của Rạp chiếu phim thì không có bộ phim nào có thể soán ngôi của Ác mộng kinh hoàng (tựa gốc: After She Wakes). Phim được nhào nặn dưới bàn tay đạo diễn David Arthur Clark và được ra rạp hồi tháng 5.
Chỉ được chấm 5.3/10 điểm IMDb, Ác mộng kinh hoàng như muốn “chọc tức” khán giả với phần hình ảnh quá tệ khi có tới 90% thời lượng phim chìm trong bóng tối “như đêm ba mươi”, khiến khán giả tới rạp có cảm giác như ngồi trong phòng tối nghe âm thanh và dự đoán điều gì đang diễn tra trên màn ảnh. Không những vậy, để có thể đến được với khán giả Việt, phim đã bị cắt xén thời lượng lên tới hơn 20 phút sau khâu khiểm duyệt. Có lẽ cũng vì thế nên nội dung truyền trải tới khán giả vốn đã tệ lại càng thêm phần thảm hại.
Dù chất lượng tệ hại, song Ác mộng kinh hoàng vẫn đạt được tổng doanh số tại các phòng vé Việt lến tới hơn 680 triệu đồng.
2. Kaiji: Trận quyết tử
Review phim:
Đứng thứ 2 trong danh sách là Kaiji: Trận quyết tử - một bộ phim có tiếng vang lớn tại thị trường Nhật Bản và đã được xây dựng đến phần thứ 3. Tuy nhiên Kaiji: Trận quyết tử lại là bước lùi so với 2 phần trước khi cốt truyện ở phần này đã không còn được hấp dẫn như khán giả mong đợi. Dù vẫn giữ được nhịp độ phim căng thẳng, kịch tính với hàng loạt các plot twist được cài cắm suốt chiều dài cả phần phim nhưng độ “nặng đô” lại thua các phần trước. Phim quá sa đà vào việc giải thích nguyên nhân của các plot twist dù nó quá dễ hiểu, hay như việc nhiều phân cảnh phim được dàn dựng khá gượng ép, sắp đặt và nhiều khi thiếu thuyết phục vì sự hư cấu đến phi lí.
Bên cạnh đó việc ra rạp ngay sau lệnh cách li xã hội có lẽ cũng là một bất lợi quá lớn đối với Kaiji, điều này khiến cho phim chỉ đạt doanh số hơn 300 triệu trên tất cả các cụm rạp tại Việt Nam sau quãng thời gian công chiếu.
3. Tiền nhiều để làm gì?
Bộ phim hài Việt – Tiền nhiều để làm gì? xếp thứ 3 trong danh sách những bộ phim dở tệ đầu năm 2020. Với doanh số hơn 660 triệu dù được công chiếu trước thời điểm dịch covid-19 bùng phát. Được kỳ vọng sẽ mang lại những tiếng cười giải trí thú vị với dàn casting quy tụ nhiều cái tên nổi bật trong giới điện ảnh. Tuy nhiên sau khi ra mắt, phim được khán giả đánh giá trong vỏn vẹn 2 từ “dở tệ”.
Kịch bản kém chất lượng, lời thoại sáo rỗng và tình tiết được xây dựng phi lý. Thông điệp chính của phim về bảo vệ môi trường cũng được đưa ra một cách hời hợt. Tiền nhiều để làm gì đã khiến khán giả phải thốt lên: Tiền nhiều để làm phim. Rạp chiếu phim xin phép dành lời khen ngợi đến những khán giả đã kiên nhẫn ngồi trong rạp và xem bộ phim này từ đầu đến cuối.
4. Sa mạc chết
Review phim:
Sa mạc chết là bộ phim được ra rạp ngay sau khi hết giãn cách xã hội. Tuy nhiên tác phẩm khởi đầu này đã liên tục phải hứng chịu những lời chê bai từ giới reviewer lẫn khán giả ra rạp. Chỉ nhận được 3.9 điểm trên trang IMDb, bộ phim khai thác một câu chuyện cũ rích khi lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ giữa sa mạc bị tấn công bởi những sinh vật lạ thích ăn não người và chiếm quyền điều khiển, biến nạn nhân trở nên man rợ và khát máu. Nhưng vấn đề ở đây là kịch bản phim quá dở tệ, những nút thắt, những điểm khiến khán giả tò mò cuối cùng vẫn KHÔNG được giải đáp khiến khán giả cảm thấy mất kiên nhẫn.
Điểm cộng bù đắp cho phần kịch bản tệ hại là phim có phần hình ảnh và âm thanh khá tốt. Dàn diễn viên tuy không có những gương mặt “hạng A” nhưng diễn xuất cực kỳ ổn và có sự kết hợp khá tốt, khiến khán giả có thiện cảm hơn với phim.
Phim đạt doanh số hơn 1,1 tỷ đồng tại Việt Nam.
5. Tôi là não cá vàng
Review phim:
Dù diễn xuất cực kỳ tốt, nhưng Thu Trang và La Thành vẫn không thể cứu được Tôi là não khá vàng khỏi sự chê bai của khán giả. Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu của Huyền - cô nàng thiết kế thời trang tài năng nhưng lại đen đủi mắc căn bệnh Alzheimer dù còn rất trẻ. Câu chuyện tưởng như sẽ vô cùng nhân văn và thu hút khán giả nhưng cuối cùng lại thất bại vì quá nhiều … sạn.
Phim có lối trang điểm và ăn mặc đã lỗi mốt từ rất lâu dù lấy bối cảnh hiện đại. Nhân vật Huyền được giới thiệu là nhà thiết kế tài năng nhưng lại thường ăn mặc sến sẩm với những tông màu sáng chói hay áo khoác ngoài đầy hoa chi chít. Hay như nam chính Thoại của La Thành lại sở hữu cho mình kiểu tóc thịnh hành từ những năm 2000, bonus thêm màu phim được kéo ngả xanh giống như những MV ca nhạc xưa, khiến khán giả tò mò không biết có phải phim được quay từ nhiều năm trước nhưng giờ mới được chiếu?
Ngoài ra thì kịch bản chắp vá kém duyên từ rất nhiều những tựa phim đã thành công trước đó như 50 First Dates hay A Litre of Tears với rất nhiều những tình tiết vô lý, thiếu logic và sến súa cùng việc dựng phim đứt gãy, nhiều chi tiết thiếu, thừa khiến khán giả càng thêm phần mất kiên nhẫn với phim. Phim còn rất nhiều “sạn” như việc lồng tiếng sai khác, chất lượng âm thanh không đồng bộ, body shaming được sử dụng liên tục cũng làm phim kém hấp dẫn hơn.
Có lẽ doanh số hơn 1,6 tỉ sau thời gian công chiếu cũng đã là thành công rất lớn của phim rồi. Bởi vì Tôi là não cá vàng thực sự khiến Rạp chiếu phim tức đến muốn nổ mắt khi xem.
Trên đây là những đánh giá chủ quan của Rạp chiếu phim về top 5 phim thảm họa của màn ảnh Việt nửa đầu năm 2020 và doanh số của các bộ phim được tham khảo trên trang Box Office Việt Nam. Trong bối cảnh dịch covi-19 đang dần được khống chế trên toàn thế giới, nửa sau của năm 2020 của điện ảnh thế giới chắc chắn sẽ “sáng sủa” hơn khi nhiều bom tấn hữa hẹn sẽ quay trở lại hàng loại với lịch ra rạp đã được ấn định. Hãy cùng Rạp chiếu phim chờ đón những siêu phẩm điện ảnh thực sự trong thời gian tới và đừng quên để lại ý kiến về những bộ phim bạn cho rằng không hấp dẫn trong nửa đầu năm nay nhé.
Bình luận (0)