Rất nhiều tác phẩm điện ảnh dù thành công về mặt doanh thu nhưng vẫn bị giới phê bình đánh giá thấp. Bộ phim có nội dung không hay làm sao có thể thu hút được khán giả đến với rạp chiếu phim. Liệu rằng nhà báo không có kiến thức điện ảnh không có tư cách phê bình phim?

Trong lịch sử điện ảnh đã xảy ra rất nhiều cuộc chiến giữa nhà sản xuất phim với những nhà phê bình phim điện ảnh. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến cuộc đối chọi giữa hai chiến tuyến của diễn viên hài Rob Schneider và nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng thế giới Roger Ebert. Đối diện với những đánh giá không tích cực từ giới chuyên môn, nhiều nhà làm phim đã lựa chọn cách phản công lại trực tiếp hoặc im lặng và tìm cách “phản đòn” bằng những nhân vật hoặc nội dung trong các tác phẩm điện ảnh.

Nhà phê bình Roger Ebert.

Những cuộc chiến không có hồi kết

Mới đây khi bộ phim điện ảnh thần thoại Các vị thần Ai Cập – Gods of Egypt bị giới phê bình chê bai và thất bại thảm hại tại phòng vé. Cuộc chiến giữa nhà làm phim và nhà phê bình lại tiếp tục nổ ra và có phần căng thẳng hơn những lần trước. Đạo diễn Alex Proyas đã bày tỏ thái độ bực tức và cay cú trên trang facebook cá nhân: “Không gì khẳng định sự ngu dốt tràn lan của loài người bằng việc đọc các bài phê bình phim của tôi..... Không có quan điểm hay khẩu vị cá nhân.... cả lũ còn thấp kém hon cả sự vô giá trị. Bọn họ giống như một lũ kền kền bệnh hoạn rỉa thịt xác thối.”

Tương tự khi cây bút A.O. Scott của tờ New York Times coi thường bom tấn The Avengers (2012) – bộ phim đạt doanh thu trên 1 tỷ USD. Nam diễn viên Samuel L. Jackson đã phải thốt lên rằng: “Các khán giả hâm mộ The Avengers thân mến, nhà phê bình A.O. Scott của New York Times cần một công việc mới. Hãy tìm hộ ông ta đi. Tìm cho ông ta một công việc mà ông ta biết làm.”

Không chỉ trích trực tiếp những đánh giá của giới phê bình, đạo diễn Roland Emmerich đã tìm được cách đáp trả nhà phê bình Roger Ebert vô cùng thông minh. Trong bộ phim Godzilla (1998), ông đã chọn một nam diễn viên có gương mặt gần giống với Ebert vào vai Ebert – thị trưởng New York dốt nát, kém cỏi, chỉ biết to mồm và tính cách vô cùng khó chịu. Mặc dù bộ phim mang lại doanh thu tốt cho nhà sản xuất, nhưng bộ phim cũng đã “rinh” được hai giải Mâm xôi vàng cho hạng mục nữ diễn viên phụ kém nhất và phim sản xuất lại phần kế tiếp tệ hại nhất.

Hay mới đây nhất là tác phẩm Tam sinh tam thế thập lý đào hoa của Dương Dương – Lưu Diệc Phi. Bộ phim nhận được kha khá đánh giá không mấy tích cực từ giới phê bình. Tuy nhiên tác phẩm vẫn thu được doanh thu khủng sau 3 ngày đầu công chiếu và lượng khán giả đến với rạp để theo dõi bộ phim vẫn duy trì ổn định.

Tam sinh tam thế thập lý đào hoa bị giới phê bình chỉ trích

Để phê bình điện ảnh có cần phải được đào tạo qua trường lớp điện ảnh?

Nhà phê bình có quyền gì để chê bai những tác phẩm điện ảnh mà nhà sản xuất và dàn diễn viên bỏ rất nhiều tâm huyết vào đó? Nhà phê bình có tư cách gì để đưa ra những lời lẽ gay gắt khiến đạo diễn, diễn viên không thể ngóc đầu dạy; khiến nhà sản xuất thua lỗ hàng trăm triệu USD? Đó là câu hỏi mà ai hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều thắc mắc.

Phần lớn các nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng hiện nay trên thế giới đều chưa từng trải qua các trường lớp đào tạo về điện ảnh. Nhà phê bình Roger Ebert từng bỏ ngang Đại học Chicago để theo đuổi ước mơ trở thành nhà phê bình điện ảnh. A.O. Scott lại là cử nhân văn chương của trường Đại học Havard. Chuyên gia phê bình điện ảnh người Pháp Andre Bazin – người được đánh giá là nhà phê bình vĩ đại nhất lịch sử xuất thân từ trường Ecole Normale Supérieure với ngành học sư phạm.

Nhà phê bình Roger Ebert bị chế giễu trong phim Godzilla

Năm 2014, một cuộc thăm dò với chủ đề: “Các nhà phê bình phim có cần là người làm phim?” đã được trang IndieWire mở ra. Trang này đã phỏng vấn rất nhiều nhà phê bình điện ảnh tiếng tăm tại Mỹ. Kết quả thu được từ cuộc thăm dò đã đưa ra khá nhiều ý kiến và phần lớn các nhà phê bình nổi tiếng đều khẳng định: kiến thức điện ảnh là yêu cầu tối quan trọng đối với ai làm việc trong lĩnh vực đánh giá tác phẩm điện ảnh; bởi vì chỉ có hiểu sâu về một đề tài thì mới có thể viết chính xác về tác phẩm đó.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cũng khẳng định rằng không phải học về điện ảnh hoặc tham gia làm phim thì mới có đủ kiến thức để trở thành nhà phê bình. Có rất nhiều cách bổ sung kiến thức như xem phim, đọc sách, trực tiếp đến các phim trường....

Điều quan trọng nhất đối với nhà phê bình đó là cảm nhận đối với bộ phim. Trước khi đánh giá bất cứ tác phẩm điện ảnh nào, nhà phê bình cần phải đặt mình vào vị trí khán giả và dành trọn tâm trí để thưởng thức phim. Rồi sau đó mới đưa ra những đánh giá khách quan nhất về bộ phim đó để khán giả hiểu được nội dung truyền tải của bộ phim, những sắc màu, yếu tố nghệ thuật và những giá trị được truyền tải trong tác phẩm đó. Có như vậy cuộc chiến giữa nhà làm phim và giới phê bình điện ảnh mới có thể duy trì ở thế cân bằng.