3,8 điểm trên trang IMDb, 17% điểm trên trang Rotten Tomatoes là những con số phản ánh đúng chất lượng của Escape Plan 2: Hades - Kế hoạch đào tẩu 2: Địa ngục. Tại Việt Nam, bộ phim đã có những suất chiếu đầu tiên vào ngày 28/6, trước khi được công chiếu chính thức từ ngày 29/6.

Review phim: 

Sau phần một thành công vang dội vào năm 2013, nhà sản xuất Escape Plan đã quyết định thực hiện tiếp phần 2 và thật sự đáng tiếc khi phải nhận xét rằng tập phim này đã khiến thương hiệu Escape Plan “đi đời nhà mi” bởi nội dung tệ hại và được thực hiện với mục đích câu kéo khán giả Trung như nhiều tác phẩm Hollywood khác vài năm trở lại đây.

Nội dung phim nhàm chán, không có sức hấp dẫn

Phim dở, nhạt nhẽo và vô lý

Trước khi bộ phim được ra rạp, Kế hoạch đào tẩu 2: Địa ngục được giới thiệu sẽ hấp dẫn hơn so với phần một khi Ray Breslin buộc phải qua mặt được hệ thống an ninh hiện đại bậc nhất của nhà tù Hades, cùng với đội cai ngục là những con robot cực kỳ thông minh. Vậy nên khán giả vô cùng kỳ vọng sẽ được thưởng thức màn vượt ngục đỉnh cao, lột tả được hoàn toàn trí tuệ và khả năng siêu việt của Ray và đồng bọn; thế nhưng những gì khán giả được nhìn thấy chỉ giống như một trò chơi con nít không hơn không kém.

Mở đầu phim khá dài dòng khi kể một câu chuyện lằng nhằng, rắc rối của nhóm nhân viên dưới quyền của Ray khi thực hiện một nhiệm vụ giải cứu con tin. Cuối cùng một thành viên bị đuổi khỏi nhóm, một thành viên được cho nghỉ dài hạn để nghỉ ngơi lấy lại tinh thần trước khi quay trở lại nhận nhiệm vụ mới.

Khoảng thời gian từ khi phim bắt đầu cho đến khi nhà tù Hades chính thức xuất hiện tốn khá nhiều thời gian, đồng thời cũng xuất hiện một số tình tiết thừa, có cũng được mà không có cũng chẳng ảnh hưởng đến nội dung phim. Và từ khi nhà tù Hades lên sóng cho đến lúc Ray đặt chân được vào nhà tù thì thời lượng phim đã trôi qua gần 2/3, vậy nên nếu bạn đến rạp và trông chờ màn vượt ngục ấn tượng của Ray, bạn sẽ phải ngồi “nhấm nháp” gần hết bịch bỏng ngô thì Ray mới mò được đến nhà tù.

Sau khi Ray đến nhà tù, bạn cũng đừng hi vọng “lão tướng” sẽ mang đến những cảnh đấu trí cân não để tìm đường thoát thân. Bởi vì nhân vật chính của phần này không phải là Ray mà là người cộng sự của ông – Shu Ren (người đàn ông đến từ Trung Quốc) và có đến 60% thời lượng phim dành cho Shu Ren – đó là lý do vì sao Rạp chiếu phim nhận xét đây là bộ phim hướng đến thị trường tỷ dân màu mỡ. Thậm chí đến bộ quần áo và giày cho tù nhân trong một nhà tù nước Mỹ lại đặc sệt văn hóa Trung Quốc.

Để nhận xét về kịch bản phim thì thật sự chỉ có thể nói rằng Kế hoạch đào tẩu 2 quá tệ. Những tình tiết trong phim diễn ra chậm chạp, không có cao trào, thiếu tính logic, vô lý và rất khó hiểu; tất cả đã biến bộ phim trở thành một mớ hỗn độn với những nhân vật tỏ ra nguy hiểm nhưng thực chất chẳng có gì đáng sợ. Một nhà tù được tạo ra để tù nhân thách đấu nhau, ai thua thì không có cơm ăn, người thắng thì được tận 2 giờ đồng hồ trong phòng nghỉ dưỡng để đọc sách, vẽ tranh – thú vui thật tao nhã. Thậm chí cái kết của bộ phim cũng rất dị khi số phận của các nhân vật trong phim không được rõ ràng; một số nhân vật dường như xuất hiện để chết mặc dù khao khát thoát ra bên ngoài đến cháy bỏng, một số lại bị bỏ quên không biết sống chết ra sao.

Diễn xuất của dàn diễn vên nhạt nhòa

Diễn viên và diễn xuất

Vai chính của Escape Plan 2 được chuyển sang cho nam diễn viên Huỳnh Hiểu Minh và có vẻ như đây là bộ phim giành riêng cho anh. Thế nhưng với những gì Huỳnh Hiểu Minh thể hiện thì có vẻ như anh chàng vẫn chỉ là một “túi cơm cao ráo”, trong mọi tình huống dù rằng bị phản bội, bị đe dọa mạng sống thì mặt mũi anh vẫn cứ tỉnh bơ đến phát chán. Giá như kỹ năng diễn xuất của Huỳnh Hiểu Minh tốt hơn một chút thì bộ phim này sẽ có một chút khởi sắc, nhưng anh hoàn toàn không làm được điều đó.

Tài tử Sylvester Stallone vẫn đảm nhận vai Ray như phần trước; tuy nhiên phần này đất diễn của ông ít hơn nên ông chưa bộc lộ được hết khả năng diễn xuất của mình. Tuy nhiên khán giả có thể dễ dàng nhận thấy dù tuổi đã cao nhưng gân cốt của Sylvester Stallone vẫn rất tốt.

Ngoài ra các diễn viễn khác trong phim có thời gian xuất hiện trong phim ít đến đáng thương nên diễn xuất không có điểm gì tạo được ấn tượng với người xem.

Âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo

Hình ảnh của Escape Plan 2 thực sự không khá khẩm hơn so với nội dung phim là bao khi nhà sản xuất không tập trung đầu tư cho phần hình ảnh, kỹ xảo. Ngay từ đầu phim khán giả đã có thể dễ dàng nhận thấy phần kỹ xảo “ảo tung chảo” với cảnh cháy nổ cực kỳ giả tạo. Những cảnh chiến đấu tay đôi giữa các nhân vật trong phim thì nhanh đến chóng mặt, không thể nào quan sát được đánh nhau ra sao chỉ khi có một người gục xuống thì mới biết ai là kẻ chiến thắng.

Mặc dù hình ảnh không tốt, nhưng âm thanh của bộ phim lại được xử lý rất tốt – đây được coi là điểm sáng duy nhất của Escape Plan 2. Toàn bộ âm thanh trong phim từ tiếng súng, tiếng bom, cho đến âm thanh khi xung điện truyền vào người cũng được diễn tả cực kỳ chân thật.

Kế hoạch đào tẩu 2: Địa ngục tiếp tục là một bom xịt của Hollywood khi lạm dụng quá nhiều yếu tố Trung Quốc vào bộ phim, khiến phim mất đi sự hấp dẫn ban đầu đã tạo được với khán giả.

 

 

 

5 / 5 ( 144 bình chọn )
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNG