Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
- 1 - 1. Cô Ba Sài Gòn – phụ nữ gìn giữ truyền thống
- 2 - 2. Chàng vợ của em – hình tượng phụ nữ hiện đại
- 3 - 3. Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) – khi phụ nữ hiện đại làm dâu
- 4 - 4. Ocean’s 8 (Băng cướp thế kỷ: Đẳng cấp quý cô) – khi phụ nữ đi cướp
- 5 - 5. Wonder Woman (Nữ thần chiến binh) – khi phụ nữ trở thành siêu anh hùng
- 6 - 6. The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) – khao khát sống là chính mình
Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Rạp Chiếu Phim gửi tới khán giả “Top 6 phim về chị em phụ nữ đáng xem trên màn ảnh rộng”, Với đa dạng thể loại đến từ nhiều quốc gia khác nhau, Rạp Chiếu Phim hy vọng đây là 6 hình tượng phụ nữ điển hình trong điện ảnh mà bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp ngoài đời thực. Cánh chị em phụ nữ trên phim cũng tạo nên hiệu ứng cuốn hút ngoài sức tưởng tượng đấy nhé!
1. Cô Ba Sài Gòn – phụ nữ gìn giữ truyền thống
Mở đầu list phim sẽ là “Cô Ba Sài Gòn”. Đây là một bộ phim đậm chất Việt Nam, nói về cách chị em phụ nữ gìn giữ tà áo dài truyền thống của gia đình, mở rộng ra là tôn vinh biểu tượng dân tộc.
Bộ phim với hai mốc thời gian chính: quá khứ năm 1969 và tương lai năm 2017. Phim xoay quanh câu chuyện về nhà may Thanh Nữ nổi tiếng đất Sài Gòn, đã 9 đời làm áo dài. Trái với bà mẹ Thanh Mai và cô em gái nuôi Thanh Loan, nữ chính Như Ý do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai lại là cô gái nổi loạn, không hề hứng thú với việc may áo dài như truyền thống gia đình, cô chỉ thích thiết kế đồ Tây tân thời.
Trải qua những lần “bẽ mặt” cay đắng, Như Ý vô tình “xuyên không” đến thế giới tương lai hiện đại. Tại đây, cô chứng kiến gia cảnh sa sút của nhà mình, gặp chính Như Ý và Thanh Loan lúc về già. Cô dần nhận thức ra rằng chính mình đã “góp phần” làm tàn lụi gia đình và dù có tân thời đến mấy và đánh mất gốc rễ truyền thống thì vẫn không thể hoàn thiện bản thân.
“Cô Ba Sài Gòn” là bộ phim làm tốt về mặt thị giác. Hàng loạt bộ áo dài với nhiều phong cách khác nhau trình diễn trước khán giả. Dàn diễn viên trẻ đẹp tập hợp ca sĩ, người mẫu như Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9x, S.T Sơn Thạch. Dàn diễn viên già đã quá “chắc tay” trong diễn xuất, tạo nên những phút giây lắng đọng cho phim như nghệ sĩ Hồng Vân, Diễm My.
Tuy phim còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản và mới phác thảo sơ lược “cái thần cái hồn” của tà áo dài Việt Nam nhưng phim đã thành công khi phần nào khắc họa chân thực mâu thuẫn thế hệ giữa phụ nữ truyền thống và phụ nữ hiện đại. Từ đó đưa ra quan niệm rằng: chỉ khi hòa hợp, cân bằng giữa cũ và mới, giữa nề nếp gia phong và cách tân hiện đại – người phụ nữ Việt mới thật sự tạo dấu ấn.
2. Chàng vợ của em – hình tượng phụ nữ hiện đại
Ngay từ tên phim, ta đã thấy sự hoán đổi cương vị giữa người đàn ông và người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Có những người phụ nữ thành đạt đến mức họ trở thành trụ cột chính của gia đình và những chàng trai làm người yêu, làm chồng họ lại ngoan ngoãn ở nhà phụ công việc nội trợ, bếp núc. Đó là cốt truyện chính của bộ phim “Chàng vợ của em” - gây sốt doanh thu phòng vé với cặp đôi Phương Anh Đào – Thái Hòa.
Phim vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết Busy Woman Seeks Wife của hai tác giả Annie Ashworth, Meg Sanders và được nhào nặn dưới tay đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn. Hai anh em Hùng và Ngọc trong một lần chọn việc làm thêm đã vô tình “sa vào lưới” của Mai – một nữ doanh nhân thành đạt bận rộn cả ngày và cần người giúp việc thu dọn nhà cửa, chăm sóc thú cưng cho cô.
Rạp Chiếu Phim vô cùng ấn tượng với cảnh nữ chính do Phương Anh Đào thủ vai mặc bộ vest rất ngầu, kiên định thuyết trình dự án trước một tập đoàn toàn đàn ông. Gam màu lạnh với góc máy trực diện càng toát lên thần thái lãnh đạo và bản lĩnh cứng rắn của cô trong thương trường.
Những cảnh quay đầy tính nghệ thuật trong phim khắc họa một đô thị lớn hiện đại với những con người công sở sẵn sàng tung mọi thủ đoạn để đánh bại đồng nghiệp, tạo cơ hội thăng tiến cho mình. Nhưng bên cạnh đó cũng có những phút giây ấm lòng giữa người thân trong gia đình, giữa những người xa lạ vô tình gặp gỡ.
Và đặc biệt, dù nữ chính có mạnh mẽ đến đâu, cô vẫn là một người phụ nữ với tâm hồn nhạy cảm, yếu lòng. Cô cũng cần chở che, chăm sóc như tâm lý thông thường của bao phụ nữ khác. Phim khắc họa hình tượng phụ nữ hiện đại rất “đời”, lạnh lùng sắc cạnh đấy nhưng vẫn dịu dàng, đằm thắm khi gặp đúng người mình yêu.
3. Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) – khi phụ nữ hiện đại làm dâu
Rạp Chiếu Phim tiếp tục giới thiệu một bộ phim khác với bối cảnh châu Á nhưng lại được làm dưới bàn tay của Hollywood, hay nói đúng hơn ekip phim đều mang gốc gác châu Á nhưng họ đã định cư tại Mỹ từ lâu.
Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Kevin Kwan – cuốn sách đã từng “cháy hàng” trong cộng đồng độc giả nhiều quốc gia. Phim đạt vô số giải thưởng, trở thành bệ phóng của nhiều diễn viên trẻ. Và đặc biệt, phim tạo dấu ấn sâu sắc về diện mạo châu Á mới trong mắt khán giả phương Tây: Người Châu Á cũng rất giàu, rất sang chảnh, chứ không phải là một lục địa bị đô hộ như cha ông ngày xưa; đàn ông châu Á không hề gia trưởng hay áp đặt, họ hào phóng và biết lắng nghe phụ nữ; hình tượng nhân vật châu Á rất đa dạng, chứ không phải chỉ dùng để làm trò cười mua vui như một số phim Hollywood trước đó.
Phim cũng không quên đưa ra một mâu thuẫn điển hình thường xuất hiện ở các gia đình châu Á: đó là mẹ chồng – nàng dâu. Làm sao một cô gái học thức với lối sống hiện đại có thể sống công – dung – ngôn – hạnh với một gia đình nề nếp, nặng truyền thống, phụ nữ là phải ở nhà chăm lo chuyện gia đình?
Rachel và Nick quen nhau ở Mỹ. Và dù rất giàu nhưng đến tận khi mời cô bạn gái về nhà mình ở Singapore, anh mới để lộ thân phận cậu ấm quý tử. Vừa đặt chân về nhà, cô nàng giáo sư kinh tế học đã vấp phải sự phản đối của mẹ chồng tương lai Eleanor với những quan niệm quá quen thuộc rằng: Phụ nữ đam mê sự nghiệp và yêu thích tự do không phù hợp để vun vén gia đình, cô bạn gái của con trai bà quá “Tây hóa” và không hiểu gì về nguồn cội.
Hàng loạt mâu thuẫn xảy đến không chỉ xoay quanh chuyện tình yêu giữa Rachel và Nick, mà còn là vấn đề mâu thuẫn sắc tộc, giàu nghèo, dân nhập cư… Và hơn hết đó là lựa chọn của người trẻ, giữa tình yêu và gia đình, họ nên đứng về bên nào?
Phim không chỉ đưa ra một hình mẫu phụ nữ hiện đại như Rachel đang phải đối mặt với những rắc rối phổ biến. Mà với tuyến nhân vật nữ phụ khác như bà của Nick, mẹ của Rachel, cô bạn Lin Goh, chị em họ của Nick đều phản chiếu lăng kính khác nhau về hình ảnh phụ nữ mọi thế hệ. Họ có những quy tắc sống của riêng mình, đã có lúc họ cam chịu, hy sinh vì gia đình, vì người mình yêu… nhưng đến một lúc nào đấy họ vẫn kiên quyết tự chủ và quyết định cuộc sống của mình.
4. Ocean’s 8 (Băng cướp thế kỷ: Đẳng cấp quý cô) – khi phụ nữ đi cướp
Rạp Chiếu Phim sẽ đổi không khí sang một bộ phim hành động kịch tính hài hước khi băng cướp tập hợp toàn các quý cô với hoàn cảnh, tính cách khác nhau, tập trung làm nên một phi vụ “động trời”.
Loạt phim Ocean đã quá nổi tiếng với những băng cướp nam giới thủ đoạn khôn khéo, lách luật tinh vi. Sang phần 8, việc chuyển hướng sang cô em gái của gia đình siêu đạo chích đi “thâu tóm” đồng bọn cũng toàn là nữ là bước đi đúng đắn của nhà làm phim khi nữ quyền trong phim ảnh ngày được coi trọng.
Tuy hành động cướp là trái pháp luật và ngoài đời thì chẳng ai đi cổ vũ nữ quyền bằng cách này, nhưng phim lại nhấn mạnh đến vấn đề khác cũng rất đáng chú ý. Đó là phụ nữ dù xuất thân như thế nào, còn tồn tại những nhược điểm gì thì họ vẫn đươc quyền lựa chọn quyết định vận mệnh của mình như tự do tài chính, chinh phục đam mê hay đơn giản là bình yên uống cốc rượu mừng chiến thắng với những người anh quá cố như nữ chính Debbie Ocean.
Phim quy tụ những ngôi sao nữ danh giá của Hollywood, các pha hành động tóe lửa, những màn “lừa đảo” lật kèo liên tục, phục trang thời thượng, âm nhạc bắt tay… Đây quả là một bộ phim giải trí đúng nghĩa lấy đề tài các quý cô.
5. Wonder Woman (Nữ thần chiến binh) – khi phụ nữ trở thành siêu anh hùng
Sẽ thật thiếu sót nếu như không kể đến bom tấn cực kỳ xuất sắc về nữ siêu anh hùng. Wonder Woman ra mắt phần 1 vào năm 2017 và sẽ có phần 2 ngay trong năm nay nếu như không có lịch hoãn chiếu do ảnh hưởng của Covid-19.
Rạp Chiếu Phim lựa chọn Wonder Woman của DC thay vì Captain Marvel của MCU không phải vì là fan của bên này, antifan của bên kia đâu nhé. Mà vì nếu đưa lên cán cân chất lượng, Wonder Woman tuy ra đời sớm hơn nhưng lại là một đại diện nữ quyền vượt trội trên màn ảnh, chứ không phải cách cố tạo ra một người phụ nữ siêu đẳng cấp nhưng lại vấp phải vô số hạt sạn vì ekip phim chưa hiểu đúng về nữ quyền như trường hợp của Captain Marvel.
Phim xoay quanh câu chuyện về Công chúa Diana, lớn lên tại đảo Amazon xứ Themyscira. Sau khi phi công người Mỹ Steve Trevor rơi xuống hòn đảo của cô, cô đã cứu anh và anh đã kể cho cô về một cuộc Thế Chiến đang diễn ra. Diana sau đó rời bỏ quê nhà, cố gắng ngăn cản cuộc chiến và trở thành Wonder Woman.
Phim đi theo tiến trình trưởng thành của Diana từ một cô gái thông thường trở thành siêu anh hùng qua quá trình rèn luyện, chiến đấu gian nan. Qua các mối quan hệ của cô, khán giả cũng hiểu hơn về tâm lý phụ nữ, họ liên tục mâu thuẫn, đấu tranh nội tâm dữ dội. Để làm việc lớn, họ chấp nhận hy sinh nhiều thứ quý giá.
Nhân vật chính do nữ diễn viên xinh đẹp Gal Gadot đảm nhận vừa mạnh mẽ, tự chủ lại vô cùng hấp dẫn. Kỹ xảo, âm nhạc đều đạt mức tuyệt hảo dù đôi chỗ vẫn chưa thật sự bắt máy như bây giờ. Phim đạt doanh thu phòng vé xấp xỉ 4 lần so với kinh phí bỏ ra. Phim cũng được giới phê bình đánh giá cao với 93% điểm cà chua tươi. AO Scott của tờ The New York Times cho rằng “Wonder Woman đã bắt kịp những xu hướng xây dựng thương hiệu và cho phép phim trở thành một cái gì đó tương đối hiếm trong vũ trụ siêu nhân hiện đại”.
6. The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) – khao khát sống là chính mình
Không phải đến tận bây giờ, khi xã hội ngày càng hiện đại, LGBT mới thật sự hiện diện rõ ràng. Rạp Chiếu Phim đã suy nghĩ rằng trong ngày Phụ nữ mà lại không nói tới phim về người chuyển giới thì khác nào chưa công nhận họ là phụ nữ. Thế nên, bộ phim cuối cùng trong danh sách chính là The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch).
Phim chuyển thẻ từ cuốn truyện cùng tên của David Ebershoff , lấy bối cảnh ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào thập niên 1920. Phim kể về cuộc sống êm đêm của hai vợ chồng họa sĩ Einar Wegener chuyên vẽ phong cảnh và Gerda Wegener chuyên vẽ chân dung. Một ngày nọ, cô vợ Gerda Wegener nảy sinh ra ý tưởng cho chồng đóng vai phụ nữ để làm mẫu cho cô vẽ chân dung.
Phép thử không dừng lại ở đây, người chồng Einar Wegener tiếp tục “giả gái” trong một vài lần nữa và nhận ra con người thật mình luôn khao khát bấy lâu nay chính là với hình hài một người phụ nữ. Sau quá nhiều giằng xé nội tâm, đổ cả máu và nước mắt, Einar Wegener quyết định chuyển giới trở thành Lili Elbe – đây là một trong những người chuyển giới đầu tiên trên thế giới.
Lili Elbe không phải là người phụ nữ đáng nhắc tới nhất trong phim, bên cạnh cô còn có Gerda Wegener. Từ tình nghĩa của một người vợ, cô đã trở thành một người bạn tri kỷ ban đầu thì cấm cản, sau lại động viên người kia vững tâm trở thành bản thể mà họ mong muốn.
Để hóa thân vào một người chuyển giới, nam diễn viên Eddie Redmayne đã phải trải qua quá trình khắc khổ để nhập tâm vai diễn. Diễn xuất hình thể từng động tác, cử chỉ nhỏ đến ánh mắt như biết nói đều được anh diễn tả xuất thần. Phim cũng từng gây tranh cãi tại lễ trao giải Oscar khi Alicia Vikander trong vai Gerda Wegener dành Giải Oscar cho nữ phụ xuất sắc nhất nhưng đáng lẽ ra với thời lượng xuất hiện dày đặc trong phim, cô xứng đáng với Giải Oscar cho nữ chính xuất sắc nhất.
Phim cũng có doanh thu gấp 4 lần so với kinh phí và Trang phim độc lập FilmDebate đánh giá: “Đây không chỉ là phim hay nhất năm mà còn là phim quan trọng nhất. Câu chuyện và diễn xuất đồng điệu cùng nhau ở mức độ trung thực nhất khiến mọi người đều phải nghiền ngẫm và thán phục”.
6 bộ phim tuy chưa để phác thảo đầy đủ về hình tượng những cô gái, những người phụ nữ đáng quý nhưng Rạp Chiếu Phim hy vọng rằng những nhân vật đó sẽ truyền cảm hứng tới các khán giả chị em phụ nữ và khi giới mày râu xem phim sẽ phần nào thấu hiểu hơn về nửa kia của thế giới. Dù bạn là người phụ nữ truyền thống hay hiện đại, có quan niệm sống khác nhau như thế nào, có đang hạnh phúc hay buồn bã với mối tình nào đó hay chưa thật sự thành công trong sự nghiệp thì Rạp Chiếu Phim vẫn tin rằng, chỉ cần bạn luôn nỗ lực, suy nghĩ tích cực, cởi mở với mọi người, đưa ra những lựa chọn đúng đắn và tôn trọng chính bản thân mình, bạn sẽ sớm thành đạt và vui vẻ thôi.
Rạp Chiếu Phim gửi mọi lời chúc tốt đẹp đến chị em nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúc một nửa thế giới có ngày lễ thật vui vẻ bên những người mình yêu quý!
Bình luận (0)