Khi bạn muốn xem TV series trên Netflix nhưng ngại xem phải những bộ dài tốn nhiều thời gian. Rạp chiếu phim sẽ gửi đến bạn Top 10 TV series siêu ngắn, đảm bảo bạn chỉ cần bỏ ra một thời lượng ít ỏi để “cày” nhưng lại thu về những cảm giác cực kỳ mãn nhãn và thoải mái, không kém những TV series dài lê thê liên tục ra mắt của “ông lớn” Netflix.

top-10-tv-series-sieu-ngan-tren-Netflix

Goedam (phim kinh dị)

Goedam-netflix

8 tập phim ngắn có tổng thời lượng chưa bằng một trận bóng đá mà lại hấp dẫn ngang ngửa bất kỳ tác phẩm kinh dị ma quái nào. Dựa trên những truyền thuyết về các loại ma đô thị xuất hiện trong trường học, nhà vệ sinh, thang máy, internet…, phim không chỉ hù dọa khán giả bằng nỗi sợ thông thường, mà còn đưa đến suy nghĩ về thuyết nhân quả, thói đua tranh trong xã hội, nạn bạo lực học đường, tật sống ảo…

Mỗi tập phim tưởng chừng đứt gãy nội dung nhưng nếu để ý kỹ và xâu chuỗi những nhân vật cùng sự việc, bạn sẽ thấy điều bất ngờ đến từ sợi dây liên kết vô hình. Những góc máy mang dụng ý, màu sắc tăm tối, âm thanh kịch tính, dàn diễn viên diễn xuất tròn vai… - quá hoàn hảo cho một TV series siêu ngắn chất lượng.

Haunted (phim kinh dị)

Haunted

Hãy tưởng tượng bạn ngồi trong một vòng tròn tập hợp những người đã từng tận mắt chứng kiến những cảnh ma quái. Lần lượt mỗi người kể về trải nghiệm kinh hoàng của mình và phim sẽ tái hiện cơn ác mộng đó trở lại bằng các góc máy quay và âm thanh rùng rợn.

Đó lần lượt là con ma gương, quỷ chiến tranh, linh hồn từ địa ngục, vật chủ bị nguyền rủa… Xem phim ma không chỉ để thỏa mãn trí tò mò mà còn hiểu lý do vì sao xuất hiện những chuyện kỳ quái đó – thực chất do những mâu thuẫn tồn tại trong xã hội.

Phim tuy không được đánh giá cao trên các thang điểm của Rotten Tomatoes và IMDb một phần vì lỗi kỹ xảo và kịch bản lộn xộn nhưng vẫn đủ khả năng đem đến trải nghiệm thú vị cho các tín đồ mê kinh dị.

TV series đến từ Đức đã dành về 7.9/10 điểm IMDb với “cơn mưa” khen gợi từ khâu kịch bản, thiết kế bối cảnh, sử dụng kỹ xảo lẫn diễn xuất nhập tâm của diễn viên. Nhưng so với các siêu phẩm cùng đề tài, phim vẫn chưa thực sự thuyết phục khán giả.

Into The Night (phim hành động)

Into-The-Night

Mặt trời không còn là nguồn sống mà lại có nguy cơ hủy diệt mạng sống. Một tay súng đột nhập máy bay bỗng trở thành thủ lĩnh cứu cánh. Những chuyện phi lý đó lại diễn ra ngay trước mắt khán giả khi họ lựa chọn xem TV series này.

Xuyên suốt mỗi tập phim, lần lượt từng hành khách trên chuyến bay định mệnh bị đặt vào các tình huống “khó đỡ”. Từ đây, tính cách của bất kỳ ai giỏi che giấu nhất cũng dần phải bộc lộ, những quan niệm sống mâu thuẫn va chạm vào nhau và bùng nổ thành xung đột. Giữa tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, liệu họ chọn cư xử theo bản năng hay lý trí?

Phim tạo ra cảm giác hồi hộp, gay cấn trong bối cảnh không gian hẹp. Khả năng diễn xuất giữa các diễn viên gần như đồng đều. Tuy nhiên, khâu thiết kế mỹ thuật chưa thật sự thỏa mãn khán giả. Phim chỉ tiêu tốn kinh phí khoảng 7 triệu euro – dễ hiểu tại sao phần kỹ xảo còn mờ nhạt và thiếu đột phá. Khán giả khó tính có thể bực bội với những “hạt sạn” to đùng đến từ khâu kịch bản thiếu logic, phản khoa học và cách giải quyết vấn đề quá vội vàng.

Aggretsuko (phim hoạt hình)

Aggretsuko

Với tạo hình những con thú đáng yêu sống trong thế giới công sở nhộn nhịp, phim dễ khiến người xem lầm tưởng đây là TV series mua vui cho thiếu nhi. Nhưng không, đây là hoạt hình dành cho người lớn khi mạnh dạn bóc tách thực trạng công sở Nhật Bản nhìn tưởng đơn giản và hào nhoáng nhưng bên trong lại phức tạp và ẩn chứa nhiều vấn đề xã hội. Phim dành tuyệt đối 100 điểm cà chua tươi và 8/10 điểm IMDb.

Retsuko – cô gấu trúc đỏ 25 tuổi thu hẹp cuộc sống của mình trong văn phòng với những đồng nghiệp “trái tính trái nết”. Mỗi tình huống của phim là một lời cảnh tỉnh về từng vấn nạn xã hội. Nhưng nhờ những nét vẽ vui tươi, lời thoại dí dỏm, âm nhạc sôi động, phim mang phong cách châm biếm nhẹ nhàng, giúp khán giả hiểu hơn về Nhật Bản đương đại và còn thúc giục ta muốn trân trọng, gìn giữ đam mê dù là nhỏ nhất trong mọi hoàn cảnh.

How to Sell Drugs Online (phim hài tuổi teen)

How to Sell Drugs Online

Với không khí hài hước bao trùm, phim theo chân Moritz – một chàng trai tuổi teen lập dị với ý tưởng start-up độc đáo sử dụng triệt để công nghệ 4.0. Lấy thuốc lắc làm trung tâm giao dịch, phim có hơi hướng tội phạm tuổi teen cài cắm thông điệp xã hội về mặt trái của buôn bán trực tuyến.

Tuy nhiên, phim không quá u tối mà vẫn mang lại tiếng cười cho khán giả từ những tình huống ngốc nghếch đáng yêu của nhân vật. Khán giả cũng phải “ô a” thán phục trước trí tuệ nhanh nhạy của nhân vật chính với những màn hack bá đạo trên không gian ảo.

I Am Not Okay With This (phim tâm lý tuổi teen)

I Am Not Okay With This

Đến từ ekip của loạt phim đình đàm Stranger Things và The End of the Fucking World, phim đạt tới 87% điểm cà chua tươi, chứng tỏ phim phải có những nét riêng nổi bật chứ không chỉ đơn thuần đi theo cái bóng quá lớn của các đàn anh.

Qua lời kể tự thoại của nhân vật chính, 7 tập phim ngắn liên quan chặt chẽ đến nhau tái hiện cuộc sống của cô nàng Syd lứa tuổi teen mới lớn. Syd gặp rắc rối trong cách cân bằng chuyện gia đình, trường học, bạn bè và chưa thể kiểm soát được siêu năng lực bí ẩn. Không phải lúc nào Syd cũng cư xử đúng trước tình huống nào đó và chính việc mắc sai lầm khiến cô trưởng thành hơn, hiểu chính mình và nuôi lớn các mối quan hệ hữu ích.

Phim đề cập tới siêu năng lực một cách hời hợt nên sẽ khiến khán giả hơi hụt hẫng. Phim lấy chủ đề tâm lý tuổi teen nên không phải khán giả người lớn nào cũng thích thú chào đón với phần kịch bản “ẩm ương” và có chút phi logic.

Persona (phim tâm lý)

Persona

Đến từ 4 đạo diễn nổi tiếng của xứ Kim Chi, 4 tập phim của Persona hoàn toàn khác nhau về nội dung chủ đạo, thông điệp, phong cách nghệ thuật. Điểm chung duy nhất, cả 4 phim đều có sự góp mặt của nữ chính hóa thân bởi IU – “em gái quốc dân” với lối diễn đa dạng. IU khi thì hóa thân thành nữ sinh nổi loạn, lúc lại kỳ quái trong vai nữ nhân sưu tầm trái tim và cũng lại vô cùng sướt mướt dưới lốt bóng ma quá khứ.

Mỗi tập phim đều đào bới những mạch tâm lý khác nhau của con người, phổ quát nhiều lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Có tập phim vui tươi dễ hiểu, có tập phim lại chằng chịt biểu tượng ẩn dụ. Vì thế khán giả cũng cần linh động tư duy khi đến với mỗi tập khác nhau để tránh bị “sốc tâm lý”.

Unorthodox (phim tâm lý)

Unorthodox

4 tập phim xoay quanh cuộc hành trình chạy trốn của cô gái trẻ Epsy từ New York đến Berlin. Đích đến hạnh phúc tưởng như ngày càng xa vời khi Epsy vấp phải những định kiến về phân biệt sắc tộc, tôn giáo, bất bình đẳng giới… Phim là hình dung về xã hội thu nhỏ thiếu công bằng đang đặt áp lực lên đôi vai người phụ nữ nói riêng và những người thiểu số bị kỳ thị nói chung.

Phim có dàn diễn viên nhập tâm nhân vật khá tốt, cách xử lý khung hình máy quay và sử dụng âm nhạc cũng khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không khí nặng nề của phim sẽ khiến khán giả thấy bí bức.

Homemade (phim tài liệu)

Homemade

Đây là TV series tài liệu liên quan mật thiết đến dịch Covid. Nhưng bạn đừng nghĩ phim giống khoa học giải thích xuất xứ và cách phòng chống Covid. Qua những thước phim ngắn về sinh hoạt hàng ngày, các nghệ sĩ trên khắp thế giới gửi gắm cái nhìn của mình về đại dịch, cuộc sống, mối quan hệ giữa con người… qua lăng kính độc đáo với phong cách của từng người.

Đặc biệt, phim đã thành công khi hiện diện lên màn ảnh hàng loạt tâm lý phức tạp của con người khi phải chôn chân cách ly tại nhà. Phim không hề nhàm chán với cách phỏng vấn thường thấy trong tài liệu, các nhà làm phim chọn nhiều cách thức khác nhau để thể hiện, chẳng hạn hát, hoạt động ngoại khóa, tương tác qua mạng xã hội…

Tuy nhiên, chất lượng không đồng đều giữa các tập phim đến từ sự khác biệt của các đạo diễn sẽ khiến khán giả khó tính không quen với các góc máy xô lệch, bước di chuyển lệch của nhân vật so với khung hình, âm thanh nhiễu, hình ảnh chưa sắc nét…

History 101 (phim tài liệu)

History 101

Phim giải thích tiến trình lịch sử của loài người theo hướng trung lập ngay ở các vấn đề gay gắt như Chiến tranh lạnh, đấu tranh nữ quyền, cuộc chạy đua vào không gian… Khi chuyển sang tập phim tìm hiểu về robot và thức ăn nhanh cũng sẽ khiến khán giả “vỡ” ra nhiều điều từ những gì tưởng như nhỏ nhất và dễ bị bỏ qua.

Phim sử dụng đồ họa lý giải sinh động, các thước phim tư liệu được lắp ghép hợp lý và kiến thức được trình bày dưới dạng sơ khai dễ hiểu. Phim thích hợp với khán giả ưa khám phá những vấn đề tồn tại trong cuộc sống dưới lăng kính không quá khó hiểu. Còn nếu bạn muốn “đào sâu” vấn đề, TV series có vẻ “hơi nông” so với điều bạn mong muốn.

TV series ngắn chất lượng đòi hỏi nhà làm phim phải có kịch bản sáng tạo và hấp dẫn. Dàn diễn viên hợp vai, kỹ xảo tương đối ổn sẽ là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho phim. Phim càng ngắn, tư duy đặt vào càng nhiều, khán giả chưa kịp hiểu ngay những gì diễn ra thì phim đã kết thúc. Nhưng chính điều đó giúp khán giả vận động não bộ nhiều hơn hoặc nóng lòng mong ngóng tập tiếp theo. Rạp chiếu phim có bỏ lỡ TV series siêu ngắn nào đáng xem trên Netflix không, mời mọi người trao đổi tại Group.