Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
- 1 - Black Mirror (Gương đen)
- 2 - The Umbrella Academy (Học viện Ô dù)
- 3 - Lucifer (Chúa tể Địa ngục)
- 4 - Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá)
- 5 - Altered Carbon (Linh hồn đổi xác)
- 6 - The Witcher (Thợ săn quái vật)
- 7 - Stranger Things (Cậu bé mất tích)
- 8 - Warrior Nun (Bà sơ chiến binh)
- 9 - Memories of the Alhambra (Ký ức Alhambra)
- 10 - The King: Eternal Monarch (Quân Vương bất diệt)
Điều kỳ diệu của điện ảnh chính là sáng tạo nên nhiều thế giới viễn tưởng đa dạng, lôi cuốn bằng trí tưởng tượng vô bờ bến. Hàng năm, “ông lớn” Netflix đều “trình làng” những TV series viễn tưởng chất lượng, trở thành thương hiệu không thể bỏ lỡ đối với khán giả mê phim. Cùng Rạp chiếu phim điểm tên 10 TV series viễn tưởng đáng xem trên Netflix nhé!
Black Mirror (Gương đen)
Với 5 mùa phim tính đến nay đã gần chục năm nhưng Rạp chiếu phim không thể nào bỏ Black Mirror ra khỏi Top 10 vì đây là món đặc sản đậm chất khoa học viễn tưởng gắn mác Netflix thành công nhất ngay từ những ngày đầu.
Black Mirror chính là màn hình đen xuất hiện khi ta tắt bất kỳ thiết bị điện tử nào, tương đồng với thông điệp xuyên suốt của TV series này là phản ánh mặt trái của công nghệ. Bạn có thể dễ dàng lựa chọn xem “nhảy cóc” bất kỳ tập phim nào mà không cần quan tâm tới sự liên kết trước sau vì mỗi tập là cá thể độc lập.
Đa dạng quốc tịch, đa dạng phong cách, đa dạng thể loại, các nhà làm phim đến từ khắp nơi trên thế giới mang đến cho Black Mirror những góc nhìn “không đụng hàng” về thế giới công nghệ. Tổng thống phải fuck với một con heo chỉ để thỏa mãn tâm lý mua vui của bọn khủng bố truyền thông, con người hàng ngày bị giam lỏng đạp xe kiếm tiền, cá nhân muốn sống tốt phải đạt điểm rating cao, một con robot làm bá chủ thế giới… Hàng loạt câu chuyện kỳ dị về thế giới viễn tưởng trở thành lại cảnh báo ngầm cho thế giới thực khi công nghệ hiện đại đang khiến con người biến chất.
Ngoài ra, Black Mirror: Bandersnatch còn trở thành tập phim đặc biệt khi tiên phong mở ra một hướng đi mới cho Netflix kết nối với khán giả. Chúng ta có quyền quyết định nhân vật lựa chọn như thế nào và dẫn tới những thay đổi về cốt truyện.
Nắm giữ 83% điểm cà chua tươi và 8,8/10 điểm IMDb nhưng phim vẫn vấp phải một vài hạn chế nhỏ. Chất lượng giữa các tập phim của Black Mirror chưa thật sự đồng đều, khán giả có thể rất thích hoặc rất ghét chúng. Tính phi thực tế trong phim đạt cấp độ cao khiến cho các khán giả yêu thích thực tế trở nên loạn với những giả thuyết trong phim.
The Umbrella Academy (Học viện Ô dù)
Giữa hàng loạt vũ trụ siêu anh hùng đã quá “nhẵn mặt” với khán giả đến từ Marvel và DC, Netflix cho ra mắt TV series The Umbrella Academy mang tới khẩu vị hoàn toàn khác: Độc lạ, hỗn tạp và mới mẻ. Phim chuyển thể từ comic nhưng lại sáng tạo theo cách riêng biệt, khiến fan vừa thấy giống vừa thấy khác nhưng vẫn tạm hài lòng và không cảm thấy quá vô lý trước bất kỳ sự thay đổi nào. Bộ phim về những siêu anh hùng rắc rối, lạ thường và nhiều tính xấu này với 82% điểm cà chua tươi và 8/10 điểm IMDb.
Reginald Hargreeves – tỉ phú kỳ quặc thích phiêu lưu nhận nuôi 7 anh chị em trong số 43 đứa trẻ đột ngột xuất hiện mà không cần đến bà mẹ nào sinh ra chúng. 7 đứa nhóc được huấn luyện trở thành siêu anh hùng trong môi trường khắc nghiệt và kỳ quái. Vấn đề mà đám nhóc gặp phải suốt cả tuổi thơ kéo dài đến khi trưởng thành không phải chuyện sử dụng siêu năng lực như thế nào cho hiệu quả, vấn đề ở đây nằm ở tính cách lập dị, với muôn vàn bộ mặt xấu xa và chẳng hề có mong muốn đoàn kết hay yêu thương nhau lắm. Chỉ khi có một cú hích là cha nuôi Reginald Hargreeves qua đời, 7 siêu anh hùng này mới có cớ tập hợp nhau lại để tìm hiểu quá khứ, hàn gắn tình cảm gia đình bấy lâu nguội lạnh và tiện thể... giải cứu thể giới luôn.
Mỗi tập phim theo chân một nhân vật được đánh số thứ tự và mở ra cánh cửa giúp khán giả hiểu hơn về họ. Phim cũng có nhiều cảnh hành động hoành tráng nhưng chủ yếu đan xen nhiều yếu tố khác như quá trình phát triển tâm lý nhân vật, tính trinh thám khi cả đội lật mở nhiều bí ẩn dẫn đến plot twist khó đoán, những pha gây cười nghiêng ngả nhưng theo kiểu hài hước chua cay.
Cả hai seasons đều lấy mốc thời gian cũ kỹ của thế kỷ trước nên không gian phim khá hoài cổ và ma mị, chứ không phải theo kiểu siêu anh hùng công nghệ hiện đại đến từ tương lai. Các diễn viên hầu như đều không quá nổi tiếng nhưng diễn xuất lại vô cùng nhập tâm vào nhân vật và ít khi để lộ thiếu sót. Âm nhạc trong phim khá dị biệt, ban đầu khán giả sẽ cảm thấy giống “nồi lẩu thập cẩm” nhưng càng xem càng thấy cuốn vì âm nhạc phù hợp với bản chất lầy lội quái gở của phim.
Tuy nhiên, với một số khán giả, các tập phim The Umbrella Academy vẫn còn thiếu rời rạc, thiếu liên kết. Tính xấu của nhân vật được đào sâu tối đa nên khán giả thích sự tươi sáng sẽ cảm thấy hơi phản cảm. Phim còn đặt quá nhiều câu hỏi bỏ ngỏ nhằm “để dành” cho các seasons tiếp theo đang trong quá trình sản xuất nên người xem vẫn chưa thật sự thỏa mãn vì chưa tìm thấy câu trả lời.
Lucifer (Chúa tể Địa ngục)
Trải qua 5 mùa phim, Lucifer vẫn được mệnh danh là TV series dành cho phái mạnh khi tập hợp cả yếu tố viễn tưởng, hành động, trinh thám lẫn lý giải tâm lý của giới “mày râu”. Quá buồn chán với cương vị Chúa tể của địa ngục, Lucifer rời bỏ ngôi vị của mình để đến thành phố Los Angeles – nơi trú ngục của các thiên thần. Lucifer mở hộp đêm kết hợp tham gia giúp tổ chức LAPD trừng trị bọn tội phạm bằng khả năng kỳ diệu của mình.
Phim tái hiện bức tranh hiện thực thu nhỏ, mỗi tình huống hay câu chuyển lẻ trong phim đều hướng tới thông điệp xã hội. Bên cạnh đó, sự hài hước và quyến rũ của Chúa tể Lucifer cũng khiến cho các nàng nhân vật cả trong phim lẫn ngoài đời phải “ngã gục”. Đặc biệt, phim khai thác tâm lý của Lucifer với tư cách là một người đàn ông khao khát lý tưởng nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Phim dường như trở thành “sổ tay bí kíp sống” cho anh chàng muốn thoát xác từ “badboy” trở thành đàn ông đích thực.
Phim nhậnn được số điểm tích cực 85% cà chua tươi từ các nhà phê bình lẫn khán giả đại chúng trên chuyên trang Rotten Tomatoes.
Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá)
Chuyển thể từ bản điện ảnh của đạo diễn Bong Joon Ho vừa làm rạng danh xứ Hàn với giải Oscar, TV series này là bước đầu tư có lợi của Netflix. Bong Joon Ho giữ vai trò sản xuất nhưng phần lớn kịch bản, chỉ đạo diễn xuất thuộc về Tomorrow Studios của Mỹ nên hai phiên bản khiến cho người xem có những trải nghiệm khác nhau.
Phim đặt bối cảnh trước vấn nạn Trái Đất đang nóng lên, vật chất CW-7 được tung vào khí quyển để cứu nguy nhưng lại phản tác dụng khiến cho toàn bộ thế giới bị đóng băng, sự sống con người bị đe dọa. Chuyến tàu Snowpiercer của Ngài Wilford chở những hành khách cuối cùng còn sót lại.
Ở phiên bản của Netflix, Captain America không còn cầm trịch vai chính mà được thay thế bằng một nam chính da màu. Anh vẫn có sứ mệnh giúp các hành khách phía đuôi tàu thực hiện một cuộc nổi loạn quy mô lớn. Nhưng với phiên bản dài hơi này, các hành khách ở toa tàu khác, tuyến nhân vật thiện – ác cũng có nhiều đất diễn hơn, khiến câu chuyện được mở rộng với nhiều tầng lớp ngữ nghĩa khác. Phim cũng làm tốt ở khâu hành động, kỹ xảo và chuyển biến tâm lý nhân vật.
Phim gây chia rẻ các nhà phê bình. Khi có người cho rằng: “Phiên bản Netflix không có sự tức giận và điên cuồng của phim Bong Joon-ho, nhưng nó vẫn là một chuyến đi hấp dẫn” nhưng lại có người phản đối gay gắt: “Một bản chuyển thể gây bực mình”. Bạn hãy thử xem để đưa ra cảm nhận riêng nhé!
Altered Carbon (Linh hồn đổi xác)
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Anh Richard K. Morgan, phim tạo ra một thế giới viễn tưởng ở tương lai khi trình độ phát triển công nghệ đạt mức đỉnh cao. Năm 2384, ký ức của một người có thể được decanted trong một thiết bị hình đĩa được gọi là cortical stack, được cấy vào đốt sống ở phía sau cổ. Những thiết bị này được người ngoài hành tinh sản xuất hàng loạt và biến cơ thể người hoặc trí tuệ nhân tạo thành “tay áo” lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ.
Takeshi Kovacs – nam chính xuất hiện với hai lựa chọn, một là tiếp tục sống trong tù, hai là giải quyết vấn đề cá nhân của tay tài phiệt và mở ra hướng giải quyết cho nhân loại. Qua hai mùa phim, nam chính lần lượt được đảm nhận bởi Joel Kinnaman và Anthony Mackie tạo ra làn gió mới và sự tiến bộ cho phim.
Phim không chỉ đơn thuần phác thảo một thế giới giả lập nông cạn với nhiều điều kỳ lạ để kích thích trí tò mò của khán giả, phim tạo ra những thông điệp ngầm đề cao tính đạo đức, sự công bằng, tôn trọng quyền riêng tư giữa một không gian hỗn loạn, lạnh lùng của trí tuệ nhân tạo.
The Witcher (Thợ săn quái vật)
Nếu bạn yêu thích thời kỳ trung cổ với những chiến binh mạnh mẽ săn lùng quái thú, The Witcher sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ba Lan Andrzej Sapkowski, phim giữ lại ba nhân vật chính: chàng thợ săn Geralt sở hữu phép thuật witcher, nàng phù thủy Yennefer mang dòng máu yêu tinh và công chúa của Cintra chưa khai phá tài năng thần bí. Sau nhiều lần huyết chiến không đội trời chung, cả ba nhân vật buộc phải đi tìm phương thức khác để sinh tồn trong môi trường Lục địa tàn bạo.
Phim kể theo hai dòng thời gian quá khứ và hiện tại với phương pháp từng tập phim kể một câu chuyện khác nhau. Điều này biến thành con dao hai lưỡi, mặt lợi có thể khiến khán giả hiểu rõ về từng nhân vật nhưng mặt hại lại khiến nhịp phim trở nên quá chậm trong khi với dòng phim này, yếu tố hành động trên nền tiết tấu nhanh phải là chủ đạo. Đến những tập gần cuối của mỗi seasons, phim chuyển biến với tốc độ nhanh hơn, khi lắp ráp những tập trước đó, khán giả mới “Ồ”, “À” những điều thú vị.
Dàn diễn viên không thật sự xuất sắc nhưng nhan sắc lại đẹp mắt, lôi cuốn người xem về mặt thị giác. Âm thanh và nhạc nền của phim cũng tương đối tốt, tông màu xanh nhạt băng giá chiếm chủ đạo thời lượng phim.
Với các nhà phê bình khó tính, The Witcher có lẽ là phiên bản lỗi của sự kết hợp giữa Game of Thrones và The Lord of the Rings với nhiều sạn phi logic và các tuyến nhân vật thừa nhưng khán giả vẫn đánh giá phim đến 8,2/10 điểm IMDb chứng tỏ phim cũng đạt chất lượng khá và không quá tồi như lời đồn.
Stranger Things (Cậu bé mất tích)
Stranger Things nổi tiếng đến nỗi qua 3 mùa kéo dài trong nhiều năm, phim vẫn chưa giảm nhiệt với 93% điểm cà chua tươi và 8,8/10 trên IMDb. Phim xoay quanh quá trình tìm kiếm những cô cậu bé mất tích ở thị trấn giả tưởng Hawkins vào cuối những năm 80. Những hiện tượng siêu nhiên liên tiếp xảy ra với các nhân vật nhí sở hữu năng lực đặc biệt thực chất lại dẫn đến “Thế giới ngược” khiến phim càng trở nên bí hiểm và hấp dẫn khi khán giả “lật giở” từng lớp lang câu chuyện.
Phim với các nhân vật chính lứa tuổi thiếu niên nhưng thông điệp ngầm lại ám chỉ tới những người lớn hám danh lợi, quyền lực, tàn ác tích trữ chất xúc tác hủy diệt. Dàn diễn viên nhí triển vọng với bối cảnh tái hiện tốt thập niên 80, khâu thiết kế phục trang và sử dụng âm nhạc pop khá chỉnh chu, hướng đến tri ân cả một thời kỳ văn hóa. Nếu bạn hoài cổ và mê phim viễn tưởng pha lẫn kinh dị, trinh thám, hãy dành thời gian xem Stranger Things.
Warrior Nun (Bà sơ chiến binh)
Cũng là dòng phim viễn tưởng tuổi teen nhưng Warrior Nun lại không quá tăm tối như Stranger Things và tuyến nhân vật với lứa tuổi “nhỉnh” hơn khiến phim còn thực hiện chức năng lý giải tâm lý những cô cậu “ẩm ương”.
Nữ tu sĩ Shannon tử trận khi làm nhiệm vụ nhưng lại may mắn được hồi sinh trở thành thiếu nữ Ava Silva 19 tuổi sở hữu năng lực vô song. Trải nghiệm cuộc sống mới vui vẻ không được bao lâu, Ava phải đối mặt với thế lực bóng tối, quá khứ từ kiếp trước và liên tục bị đoàn nữ tu ép buộc phải hoàn trả thân phận cũ. Phim còn “cạnh khóe” chính trị, tôn giáo, giáo dục ở cấp độ nhẹ nên nếu tinh ý, bạn sẽ phát hiện ra khi xem phim.
Phim sử dụng hiệu quả kỹ xảo và có những pha hành động thú vị nhưng lời thoại của phim chưa thật sự sâu sắc và dàn diễn viên phụ chưa có nhiều đất diễn.
Memories of the Alhambra (Ký ức Alhambra)
Hàn Quốc không chỉ biết mỗi làm phim ngôn tình sến, họ còn thành công khi kết hợp giữa viễn tưởng và tâm lý. Minh chứng rõ ràng nhất là TV series Memories of the Alhambra. Phim lấy cảm hứng từ ông trùm công nghệ Elon Musk và trò chơi Pokémon Go, trở thành bộ phim về đề tài thực tế ảo tăng cường đầu tiên của Hàn Quốc thời điểm đó.
Nam chính Yoo Jin-woo – một CEO thành đạt về mảng game, sau khi nhận email về trò chơi AR đột phá mô phỏng các trận chiến thời trung cổ ở Alhambra, anh đã ngay lập tức đến Tây Ban Nha. Nhưng thay vì đến tìm lập trình viên Jung Se –joo như dự kiến, anh đã bị lạc và vô tình gặp Jung Hee-joo – một nàng thơ ghita ưa mạo hiểm. Họ vướng vào những sự cố bí ẩn và cố gắng phân biệt thế giới thực ảo.
Phim đầu tư quay bối cảnh ở nước ngoài như Tây Ban Nha, Hungary, Slovenia… nên không khí phim phong phú các nền văn hóa. Lối kể chuyện hấp dẫn ở đoạn cao trào, từ tốn ở đoạn lãng mạn; sử dụng đồ họa cấp tiến; dàn diễn viên có kinh nghiệm; âm nhạc say đắm và phục trang đẹp mắt… Tất cả điều tốt lành tập hợp khiến cho phim đạt thành công cả về mặt thương mại lẫn chất lượng chiều sâu.
Tuy nhiên, đây vẫn là phim Hàn Quốc nên các phân đoạn sến vẫn chen lẫn khiến bạn hơi sốt ruột đấy.
The King: Eternal Monarch (Quân Vương bất diệt)
Đây là TV series tình cảm hiếm hoi của Hàn Quốc lựa chọn phong cách viễn tưởng thay vì bối cảnh hiện thực. Phim phác họa hai thế giới song song Đại Hàn Dân Quốc (chính là Hàn Quốc hiện tại) và Đại Hàn Đế Quốc (một thế giới viễn tưởng vẫn còn có vua với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc). Phim là tập hợp của thuyết thời gian, xuyên không, toán học và song trùng. Mỗi tập phim nếu không theo dõi kỹ, bạn sẽ nhầm lẫn các nhân vật vì họ có khuôn mặt giống nhau nhưng lại ở hai thế giới khác. Đây cũng là phép ẩn dụ, mỗi con người có thể trở thành phiên bản khác khi tồn tại trong hoàn cảnh khác nhau và đưa ra những lựa chọn sáng suốt hay mù quáng.
Thế giới viễn tưởng của Đại Hàn Đế Quốc thể hiện sự mong muốn của nhà làm phim về tương lai quốc gia cũng như xoa dịu sai lầm quá khứ so với thế giới thực tại của Đại Hàn Dân Quốc. Chất lãng mạn của phim cũng khiến trái tim yêu rung động khi cặp đôi cố gắng tìm nhau, dù có vượt qua nhiều lớp không gian hay thời gian cách trở.
Đến từ biên kịch “mát tay” của xứ Kim Chi là Kim Eun Sook cùng cặp đôi “trai xinh gái đẹp” Lee Min-ho - Kim Go-eun với khoản kinh phí khủng, phục trang của các diễn viên sau mỗi tập được fan “soi” ra cũng toàn hàng hiệu đắt tiền… nhưng phim chi dừng ở mức rating thấp thảm thương ở quê nhà với hàng loạt cái lắc đầu từ fan Hàn rằng phim lãng mạn gì mà… khó hiểu vậy? Nhưng The King: Eternal Monarch lại được lòng khán giả nước ngoài vì họ thích những điều mới lạ hơn là chỉ xem phim sến súa.
Cặp đôi chính dù rất duyên dáng trong diễn xuất nhưng biểu cảm mặt đơ vẫn không thể tránh khỏi. Những nhân vật phụ với sắc thái biểu cảm đa dạng hơn đôi khi lấn át cả nhân vật chính. Kỹ xảo phim khá tệ, đồ họa thiếu đầu tư. Một vài tình huống phi logic chưa thật sự thuyết phục người xem.
Thế giới khoa học viễn tưởng trong phim khiến khán giả có những giây phút trải nghiệm ly kì, tạm thời thoát khỏi hiện thực, thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, Rạp chiếu phim mong rằng những bộ phim viễn tưởng trong Top 10 này cũng tạm đủ sâu sắc để khán giả nhận ra những bài học bổ ích ẩn chứa trong thế giới viễn tưởng nhiều màu sắc do các nhà làm phim kỳ công tạo nên. Mời mọi người cùng vào Group review phim của Rạp Chiếu Phim để chia sẻ thêm về TV series viễn tưởng in đậm dấu ấn nhất trong tâm trí bạn nhé!
Bình luận (0)