Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
- 1 - The Speed Cubers (Tốc độ)
- 2 - Anelka: Misunderstood (Hiểu lầm)
- 3 - The Social Dilemma (Song đề xã hội)
- 4 - The Great Hack (Bê bối dữ liệu)
- 5 - Knock Down The House (Nữ giới tranh cử)
- 6 - American Factory (Công xưởng Hoa Kỳ)
- 7 - Becoming (Chất Michelle)
- 8 - Taylor Swift: Miss Americana (Taylor Swift: Quý cô nước Mỹ)
- 9 - My Octopus Teacher (Cô giáo bạch tuộc)
- 10 - All in my family (Đây là gia đình tôi)
- 11 - Circus of Books (Nhà sách đồng tính)
Netflix ngoài chứa đựng những bộ phim hay với các thể loại như hành động, kinh dị, viễn tưởng, tình cảm, hài hước… còn là kho phim tài liệu bổ ích mà Rạp chiếu phim khuyên bạn nên thử một lần khám phá. Nếu như bạn hiếu kỳ muốn xem tài liệu trên Netflix nhưng ngại xem TV series vì chúng quá dài và mất thời gian. Đừng lo lắng, hãy để Rạp chiếu phim giúp bạn. Let’s go!
The Speed Cubers (Tốc độ)
Ở Việt Nam, rubik có lẽ chỉ là món đồ chơi thông thường để giải khuây thách đố nhau. Nhưng trên thế giới, speedcubing trở thành tên gọi của môn thể thao giải khối rubik trong thời gian ngắn nhất.
Bộ phim tài liệu đặc biệt chỉ với 40 phút nói về cuộc đấu trí ngang tài ngang sức giữa Feliks Zemdegs và Max Park. Những kỷ lục bất ngờ được xác lập từ họ sẽ khiến khán giả kinh ngạc trước trí óc nhanh nhạy của hai người trẻ.
Đằng sau các cuộc ganh đua quyết liệt, nhà làm phim còn nhìn ra khía cạnh tình bạn giữa Feliks và Max trở thành bạn. Họ chơi với nhau bằng sự chân thành, cởi mở và khiến cho khán giả cảm động trước những cử chỉ quan tâm bình dị nhất.
Phim đạt 92% điểm cà chua tươi và là một trong những bộ phim tài liệu đáng xem nhất của Netflix ra mắt gần đây.
Anelka: Misunderstood (Hiểu lầm)
Đây là phim tài liệu về cầu thủ bóng đá Pháp Nicolas Anelka vẫn được mệnh danh là “gã du mục sân cỏ” khi liên tiếp thay đổi 12 câu lạc bộ trong suốt sự nghiệp của mình.
Những góc khuất đằng sau ánh hào quang của cầu thủ “lắm tài nhiều tật” này khiến cho khán giả hiếu kỳ lật mở trong 90 phút. Anelka không chỉ vướng phải bê bối ngay tại sân nhà mà còn lao đao trong scandal tại World Cup 2010.
Nhưng bạn đừng hiểu nhầm chỉ có fan bóng đá mới hiểu được bộ phim tài liệu thể thao này. Anelka giống như một gã “bad boy” ta dễ dàng bắt gặp ngoài đời thực. Gã ta sẽ chống chọi với những sai lầm của chính mình như thế nào, bình thản đón nhận hay ngông cuồng chối bỏ? Đằng sau con người đầy thị phi, gã ta có những mong muốn thầm kín nào không?
Xem phim này, khán giả không đặt mình ở vị trí người phê phán mà phần nào bao dung hơn khi nhìn nhận một vấn đề. Câu chuyện của Anelka là tấm gương soi phản chiếu khiến cho thế hệ cầu thủ trẻ ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải nhắc mình tỉnh táo trước khi hành vi ứng xử.
The Social Dilemma (Song đề xã hội)
Đây là phim mới nhất của Netflix “bóc phốt” hệ thống social media đang phát triển như vũ bão. Nhưng người “bóc phốt” không phải là kiểu người ít online facebook hoặc một tháng mới check gmail vài lần đâu nhé. Những người dẫn dắt câu chuyện đều xuất thân từ vị trí đáng mơ ước trong các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Youtube…
Trong một ngày làm việc bình thường như bao ngày khác, họ chợt có cảm giác mất an toàn với chính công việc của mình. Họ không chỉ lo lắng cho bản thân, họ lo ngại mặt trái của social media ngày càng khiến con người bị “dắt mũi” và khủng hoảng.
Câu nói: “Chúng ta không phải người sử dụng, chúng ta là sản phẩm” được nhắc đi nhắc lại trong phim như một luận điểm xuyên suốt. Phim đưa ra những dẫn chứng, số liệu cụ thể trên các khảo sát khoa học có căn cứ và từ chính trải nghiệm cá nhân của người kể chuyện.
Giữa mùa Covid-19 khi thế cả thế giới lao đao với dịch bệnh, những tiếp xúc gần gũi trên hệ thống mạng xã hội trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và vì thế hệ lụy ngày càng tăng lên.
Phim là lời cảnh báo can đảm của đạo diễn Jeff Orlowski khi dám động đến các ông lớn. Có thể những giả thuyết đưa ra trong phim sẽ khiến bạn thấy xa vời nhưng một ngày chúng sẽ xảy ra thật sự. Và nếu không có biện pháp phòng tránh hoặc kiên quyết với những ông lớn cầm đầu social media, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể bị xâm hại mọi thứ quyền lợi, chỉ bằng một cú nhấp chuột.
The Great Hack (Bê bối dữ liệu)
Đây là một bộ phim tài liệu điều tra tố cáo dạng “khủng” đáng xem của Netflix. Phim đạt 87% điểm cà chua tươi và 7/10 điểm IMDb.
Vào năm 2018, nước Mỹ bàng hoàng trước vụ bê bối dữ liệu của Cambridge Analytica - Facebook xung quanh cuộc bầu cử của Trump. Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu của hơn 30 triệu người dùng, sử dụng chúng với mục đích công kích, trả thù cá nhân. Nghĩa là Facebook đang điều khiển người dùng như một con rối.
Bốn nhân vật chủ chốt của phim là David Carroll - một nhà hoạt động về quyền dữ liệu, Carole Cadwalladr - nhà báo điều tra, Brittany Kaiser - nhân viên cũ và Alexander Nix - cựu Giám đốc điều hành của Cambridge Analytica.
Phim đưa ra những dẫn chứng cụ thể với độ tin cậy cao vừa tố cáo, vạch trần; vừa đưa ra lời cảnh tỉnh đáng suy ngẫm về một hiện thực xã hội xấu xa khi người dùng đang bị lợi dụng thông tin cho những cuộc đổi trác chính trị tráo trở.
Knock Down The House (Nữ giới tranh cử)
Nếu bạn nhìn vào thang điểm của trang Rotten Tomatoes sẽ nhận ra có một sự mâu thuẫn lớn trong cách đánh giá về phim này. Các nhà phê bình cho phim đến 99% cà chua tươi, trong khi người dùng khác đến từ khán giả đại chúng chỉ cho phim 15% cà chua thối.
Phim là câu chuyện hậu trường khi bốn phụ nữ quyết tâm thách thức nền chính trị khi dám bước chân vào cuộc đua Quốc hội vào năm 2018.
Mỗi người tạo ra một chiến lược để giành chiến thắng riêng. Phim theo chân họ đến từng sự kiện, tọa đàm, phỏng vấn quan điểm chính trị của họ. Nhưng bằng lối cắt dựng tạo sự hồi hộp và âm thanh nhạc nền kịch tính, bộ phim tài liệu tạo ra những giây phút hồi hộp không kém gì thể loại hành động hay giật gân.
Phim tái hiện mong muốn lớn lao của phụ nữ khi muốn đi vào thương trường chính trị. Nhưng đâu có con đường nào trải đầy hoa hồng, những phụ nữ với khát vọng lớn đã gặp rất nhiều trở ngại, có người thất bại, có người thành công. Cùng xem phim để tìm hiểu rõ hơn nhé.
American Factory (Công xưởng Hoa Kỳ)
Không cần giới thiệu quá nhiều về bộ phim tài liệu nổi tiếng đã gây sốt dư luận vào mùa Oscar năm ngoái. Phim được “đỡ đầu” bởi Netflix và vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Obama, phim ôm về tượng vàng Oscar hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất.
Phim được triển khai trên nền câu chuyện tưởng như quá thông thường: một nhà máy Mỹ bị phá sản và được nhà đầu tư Trung Quốc mua lại. Hàng loạt những mâu thuẫn nổ ra, bắt đầu từ phong cách làm việc của những công nhân Mỹ khác biệt với Trung Quốc, sau đó bùng nổ giữa tư duy lãnh đạo công ty giữa người Mỹ với người Trung Quốc. Nghe chừng đây là một bộ phim nói về xung đột sắc tộc gay gắt giữa hai quốc gia khó lòng “đội trời chung”.
Phim tài liệu chính trị thế này xem sẽ buồn ngủ lắm. Không đâu, hai nhà làm phim Steven Bognar và Julia Reichert lựa chọn cách thức khéo léo hơn. Máy quay đóng vai trò quan sát những cử chỉ tự nhiên nhất của các nhân vật, tiết chế tối đa sự can thiệp của lời bình, sử dụng thích hợp hình ảnh ẩn dụ để phác họa bức tranh đời sống của tầng lớp lao động dưới bóng của những ông trùm lớn chỉ biết đến lợi nhuận và chỗ đứng cạnh tranh.
Không đứng trên vai bất kỳ chủ nghĩa nào mà luôn giữ thái độ trung lập, họ đã khiến bộ phim trở nên “dễ thở” hơn và mang lại cảm giác an ủi cho những người trong cuộc. Chính thái độ trung lập ấy đã đóng góp tiếng nói của nhà làm phim vào bức tranh xã hội đa sắc tộc của Mỹ đương đại, hay nói đúng hơn là nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Becoming (Chất Michelle)
Lại một phim nữa đến từ xưởng phim của nhà Obama kết hợp cùng Netflix. Lần này, phim kể câu chuyện tiểu sử về phu nhân Michelle Obama. Nhưng bạn đừng nhầm đây là phim chuyển thể từ cuốn tự truyện cùng tên từng gây bão của chính Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ. Phim tái hiện hành trình tạo ra một cuốn sách và cách thức để tác phẩm ấy hòa nhập vào cộng đồng.
Phim theo chân Michelle đi đến hơn 30 thành phố để quảng bá cuốn sách. Ở mỗi địa điểm dừng chân, bà lại chia sẻ câu chuyện với nhiều con người thú vị khác. Từ các câu chuyện cá nhân nhỏ lẻ đã tạo nên câu chuyện lớn hơn về nhân quyền, hình ảnh người phụ nữ hiện đại, nạn đói, khủng bố, xung đột sắc tộc…
Đan xen với quá trình quảng bá sách ở thời điểm hiện tại là quãng thời gian quá khứ khi bà Michelle bắt tay vào viết tự truyện. Nguyên cớ để bà viết sách không nhằm mục đích “đao to búa lớn” với ai mà bà nhặt từ những vấn đề đời thường để khái quát nên những vấn nạn mà phụ nữ nói riêng và mọi công dân nói chung đang gặp phải.
Phim gần gũi với những góc quay đời thường, âm nhạc phần lớn lấy từ album yêu thích của nhân vật chính nhưng vẫn toát nên nét đẹp sang trọng và nghĩa cử cao đẹp của một phụ nữ đặc biệt, có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Taylor Swift: Miss Americana (Taylor Swift: Quý cô nước Mỹ)
Một phim tài liệu nữa đại diện cho phái nữ đến từ Mỹ, Taylor Swift “công chúa nhạc đồng quê” trở thành hiện tượng âm nhạc thế giới với vô số bài hit và giải thưởng cống hiến.
Phim không đi theo motip liệt kê thành tựu của Taylor mà nhìn nhận quá trình trưởng thành của cô từ một cô gái vấp phải nhiều định kiến nghi ngờ cho đến con đường nỗ lực để thành công. Nhưng khi chạm tới đỉnh vinh quang lại vẫn cô đơn và hoang mang trong tình yêu như tâm trạng của bao cô gái nhạy cảm khác.
Trong phim, bạn sẽ bắt gặp những khoảnh khắc đời thường đáng yêu và những bản demo chơi ngay tại nhà riêng của Taylor Swift. Và đặc biệt, phim còn hé lộ những suy tư của cô nàng khi từ bé đã buộc phải trở thành một “good girl”. Định nghĩa ấy khiến cho cô đóng khung trong hình tượng mẫu mực của âm nhạc Mỹ nhưng cũng là áp lực khiến cô gái trẻ đôi khi muốn nổi loạn nhưng vẫn ngại ngần và vì thế càng thấy lạc lõng hơn trên ngôi vị “công chúa”.
Phim lấy ý tưởng từ tên bài hát Miss Americana & the Heartbreak Prince trong album ME của cô – như một dụng ý rằng đây không chỉ là bộ phim tiểu sử. Những vấn đề về định kiến, bình đẳng, chính trị Mỹ… được cài cắm khéo léo trong bộ phim tài liệu tưởng chừng thơ mộng và duyên dáng.
Hãy xem bộ phim này để hiểu hơn về Taylor Swift.
My Octopus Teacher (Cô giáo bạch tuộc)
Hai nhà làm phim Pippa Ehrlich và James Reed tạo mối quan hệ bạn bè đúng nghĩa với cô nàng bạch tuộc sống ở rừng tảo bẹ Nam Phi. Những bí ẩn về thói quen sinh hoạt, tập tính, mối đe dọa đang gặp phải của loài bạch tuộc được hai nhà làm phim khám phá. Họ cảm thấy mình đang học được nhiều bài học thú vị từ sinh viên kỳ lạ này.
Phim được quay phần lớn ở dưới nước nhưng chất lượng hình ảnh vẫn rất tốt. Khán giả đắm chìm trong khung cảnh đại dương, hiểu hơn về sinh vật biển và rút ra những suy nghĩ đáng kể về việc bảo vệ môi trường sống.
Phim đạt 8,6/10 điểm IMDb với những đánh giá tích cực
All in my family (Đây là gia đình tôi)
Bộ phim tài liệu ngắn chỉ dài 40 phút tái hiện quá trình gian nan của một nhà làm phim đồng tính nam trên bước đường chinh phục chính gia đình mình chấp nhận con người thật của anh.
Tuy đã có cuộc sống êm ấm và cởi mở với tình yêu LGBT trên đất Mỹ nhưng Hao Wu vẫn cần sự thừa nhận của gia đình gốc Hoa đầy truyền thống và định kiến của mình. Không chỉ có anh cần come-out mà bạn đời của anh là Eric cũng phải đối mặt với điều đó.
Sự khác biệt văn hóa, truyền thống Á Đông tạo nên trở ngại cho cặp đôi đi đến hạnh phúc. Phim là lát cắt đời thường quen thuộc với bất kỳ ai trong cộng đồng LGBT. Phim gần gũi nhưng không có nhiều điểm nổi bật đặc sắc.
Circus of Books (Nhà sách đồng tính)
Một bộ phim nữa về đề tài LGBT nhưng mang tính cộng đồng hơn. Nữ đạo diễn Rachel Mason mang đến phim bầu không khí hài hước trong cách kể chuyện. Bố mẹ Mason là một cặp vợ chồng gốc Do Thái sùng đạo. Nhưng gia đình này lại đang kinh doanh tạp chí và DVD 18+ của riêng cộng đồng LGBT. Một sự nghịch lý đúng không? Phim tạo ra tiếng cười chảy nước mắt có cả mùi trào phúng.
Đưa một bí mật không hay ho lắm của gia đình lên màn ảnh khi mà xã hội vẫn còn những định kiến, mong muốn của Mason là kết nối những mâu thuẫn với nhau để trình bày nên quan điểm về quyền lợi cơ bản của người LGBT.
“Circus of Books là trải nghiệm đầu tiên giúp tôi nhận ra mình không phải một người đồng tính đơn độc” – một chia sẻ của nhân vật xuất hiện trong phim khiến khán giả suy ngẫm. Thay vì ngại ngùng che giấu những nhu cầu cơ bản, xã hội đồng cảm với những câu chuyện nhỏ của họ là một cách chấp nhận thiết thực nhất.
Tuy nhiên, phim đang vấp phải làn sóng khán giả hoài nghi về tính xác thực của thông tin.
Phim tài liệu không chỉ cung cấp kiến thức còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc về ước mơ, sự nghiệp, tình bạn, tình yêu, gia đình, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Phim tài liệu lẻ trên Netflix có những điểm chung như ngắn gọn, súc tích, trình bày vấn đề dễ hiểu và đôi khi còn hòa quyện giữa niềm vui và nỗi buồn. Hãy tranh thủ xem những bộ phim tài liệu hay mà Rạp chiếu phim vừa giới thiệu và thảo luận với chúng mình tại Group review phim nhé.
Bình luận (0)