Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
Những ngày gần đây, Thor: Ragnarok chắc chắn là bộ phim hot nhất tại các rạp chiếu phim. Kể từ khi công chiếu đến nay, bộ phim đã nhận được vô số lời ngợi khen của khán giả vì sự hài hước, thú vị của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những ý kiến chỉ trích Thor: Ragnarok vì họ cho rằng đây là một bộ phim thuần giải trí và chẳng đọng lại được ý nghĩa nhân văn sâu sắc nào. Thế nhưng, liệu thực sự đây có phải một điều đáng chê trách?
Thor: Ragnarok là một bộ phim hài
Trong Thor: Ragnarok, bênh cạnh kỹ xảo, âm nhạc cực đã tai đã mắt thì không thể phủ nhận rằng yếu tố hài hước là một yếu tố quan trọng nhất trong cấu trúc của cả bộ phim. Khi xem phim, dường như cứ vài phút một lần, cả rạp phim lại phải ôm bụng cười nghiêng ngả với những tình huống trái khoáy và dàn nhân vật vô cùng “lầy lội” dù bạn là fan hâm mộ cứng cựa của Marvel hay là chỉ “xem cho biết”. Và đây cũng được coi là yếu tố đem đến một bước lột xác ngoạn mục cho thương hiệu Thor vì trong cả hai phần phim trước đều mang một phong cách khá nghiêm túc, không có gì nổi bật hay còn nói cách khác là “nhạt”. Còn đối với Ragnarok, nhiều người có thể chê rằng phim có cốt truyện quá đơn giản hay không có nhiều ý nghĩa, nhưng liệu có ai dám nói là phim “nhạt”?
Gần đây, trong một buổi phỏng vấn, khi đề cập đến chuyện nhiều người cho rằng “Thor: Ragnarok như một bộ phim hài” thì đạo diễn Taiki Waititi đã cười phá lên và thản nhiên trả lời như sau:
“Thì rõ ràng nó LÀ một bộ phim hài mà”
Đến cả đạo diễn còn khẳng định rằng Thor: Ragnarok là phim hài thì tại sao chúng ta lại phải mang vấn đề này ra bàn cãi nữa nhỉ?
Thor: Ragnarok là một bộ phim thuần giải trí, và nó đã làm quá tốt nhiệm vụ của mình
Có một điều phải khẳng định rằng, không chỉ có Thor: Ragnarok mà tất cả các bộ phim khác trong MCU từ trước tới nay đều là phim giải trí. Thậm chí không chỉ có vậy, gần như tất cả các bộ phim siêu anh hùng từ trước tới nay đều là phim giải trí và không mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc ngoại trừ một số ít phim như The Dark Knight hay Logan… Vậy thì liệu việc Ragnarok tiếp tục đi theo truyền thống giải trí của dòng phim siêu anh hùng có đáng bị “ném đá” đến thế?
Lúc này, có thể một số người sẽ nói rằng dù là vậy nhưng Ragnarok lại là một bộ phim THUẦN giải trí, tức là từ đầu tới cuối chỉ có các yếu tố giải trí chứ không mang lại một chút ý nghĩa nào, trong khi các bộ phim khác ít nhiều vẫn có. Nếu nói như vậy thì tình cảm anh em giữa Loki và Thor trong phim là gì? Một Hulk đầy mặc cảm, không muốn quay về hình dạng cũ và chấp nhận sống ở một hành tinh xa lạ vì cho rằng Trái Đất căm ghét mình là gì? Một Valkery tìm mọi cách vật lộn để trốn tránh quá khứ đau thương là gì? Tư tưởng về quê hương, tính dân tộc của Asgard là gì trong phim?
Đồng ý rằng những chi tiết đó không được tập trung nhiều và mới chỉ dừng ở mức khơi gợi đến bề mặt của vấn để rồi bỏ dở chứ không tập trung đi sâu vào khai thác nhưng công bằng mà nói, đây cũng chính là một đặc điểm chung của dòng phim siêu anh hùng chứ không chỉ riêng Ragnarok. Nói thẳng thừng ra thì Thor: Ragnarok được sản xuất ra với hai mục đích duy nhất là giúp khán giả có những giờ phút thư giãn, giải trí và thu về lợi nhuận cho nhà sản xuất chứ không phải truyền bá tư tưởng đạo lý tới thế giới nên phải nói rằng bộ phim đã hoàn thành hết sức thành công nhiệm vụ của mình.
Từ bao giờ phim giải trí lại bị cho là thấp kém?
Chẳng biết từ bao giờ, trong suy nghĩ của nhiều khán giả yêu điện ảnh lại vô tình hình thành nên một định kiến, đó là dòng phim giải trí “thấp kém” hơn dòng phim nghệ thuật.
Về mặt nghệ thuật, đúng vậy, những bộ phim giải trí hoàn toàn không có “cửa” để so về ý nghĩa nội dung, dụng ý nghệ thuật, cái tôi của đạo diễn, chiều sâu của nhân vật, dụng ý ẩn dụ trong từng cảnh quay hay là bộ sưu tập giải thưởng danh giá với những tác phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật. Nhưng liệu đó có phải là thước đo duy nhất cho cái gọi là “đẳng cấp” của một bộ phim điện ảnh?
Nếu nhìn theo hướng khác, thì dòng phim nghệ thuật hoàn toàn không phải đối thủ về mặt doanh thu phòng vé, hiệu ứng truyền thông, lợi nhuận thương mại của những tác phẩm giải trí – mà ở đây tiêu biểu là thể loại phim siêu anh hùng và Thor: Ragnarok. Các bộ phim nghệ thuật có thể để lại cho người xem rất nhiều trăn trở, suy nghĩ khi xem nhưng liệu nó có thể mang lại niềm vui, sự thư giãn cho khán giả như các bộ phim giải trí?
Ví dụ, khi xem Blade Runner 2049 – một tác phẩm được ca ngợi là bộ phim xuất sắc nhất của năm nay, tôi đã thấy cảnh rất nhiều nhóm khán giả lần lượt ra về khi phim mới chiếu được một nửa. Và khi phim kết thúc thì số khán giả ở lại rạp có lẽ chỉ bằng 2/3 lượng người xem lúc đầu, một điều lạ lùng mà tôi chưa bao giờ thấy từ trước đến nay theo trải nghiệm của bản thân. Không thể giải thích điều này bằng lý do nào khác ngoài việc rằng họ đã quá chán nản với bộ phim và không thể “chịu đựng” thêm nữa. Điều này cũng thể hiện phần nào qua doanh thu “bèo bọt” của bộ phim trên toàn thế giới. Vậy tại sao, một tác phẩm được ca tụng hết lời là một tuyệt phẩm cực kỳ nghệ thuật và chứa đầy ý nghĩa nhân văn, là ứng cử viên sừng sỏ cho các giải thưởng danh giá lại bị khán giả thờ ơ như vậy?
Theo tôi, câu trả lời duy nhất chỉ có thể là bộ phim đó chỉ dành cho một đối tượng khán giả nhất định chứ không phải tất cả mọi người. Những người yêu nghệ thuật thì sẽ thấy phim rất hay, những người khác muốn được giải trí, thư giãn thì lại thấy phim cực kỳ chán, vậy đây gọi là thành công hay thất bại?
Và quy tắc đó cũng áp dụng đối với Thor: Ragnarok hay bất kỳ bộ phim nào khác: Có người thấy hay thì ắt sẽ có người thấy dở, chỉ cần phim hoàn thành mục đích của nhà sản xuất và làm thoả mãn được đối tượng khán giả mà nó nhắm đến thì đó là một bộ phim thành công. Không có bất kỳ quy chuẩn tuyệt đối nào để đánh giá một bộ phim thuộc đẳng cấp cao hay thấp cả. Vì vậy, dù Thor: Ragnarok có là một bộ phim hài, một bộ phim thuần giải trí, một bộ phim đậm chất thương mại và không có ý nghĩa sâu sắc thì có làm sao? Chẳng có gì đáng để xấu hổ hết.
Thor: Ragnarok đang được công chiếu tại các rạp chiếu phim từ ngày 27/10/2017 với tựa đề Thor 3: Tận Thế Ragnarok.
Trailer của bộ phim:
Bình luận (0)