Nội dung bài viết [Ẩn mục lục]
Cuối tuần này có lẽ là “thời” của điện ảnh Việt, khi hai bộ phim lần lượt ra rạp là Bố già và Gái già lắm chiêu V luôn trong tình trạng các suất chiếu còn rất ít chỗ trống. Rạp chiếu phim đã theo dõi cả hai tác phẩm trên và sẽ có review chi tiết từng phim, bắt đầu với Bố già nhé.
Theo kinh nghiệm của Rạp chiếu phim, những tác phẩm khai thác đề tài gia đình nếu được đầu tư chỉn chu, đều sẽ chạm đến những góc khuất nhỏ nhất trong sâu thẳm trái tim mỗi người. Bố già cũng đã làm được điều này, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành mang lại.
Bố già được phát triển trừ loại web drama Bố già (2020), dù vậy đây vẫn là một tác phẩm riêng biệt nên bạn không cần phải xem lại loạt phim trên web trước khi ra rạp đâu nhé.
Giàu, Sang, Phú, Quý là bốn anh em trong một gia đình, trừ người em út sống bê tha và tệ nạn ra thì tất cả đều sống cùng trong một hẻm nhỏ, mỗi khi triều cường lên thì trong nhà cũng ngập nước như ngoài phố.
Trong đó, bộ phim tập trung vào câu chuyện của bố con Ba Sang và Quắn, cùng với cô con gái nuôi Bù Tọt. Nếu ông Sang là đại diện của một thế hệ đi trước, tư tưởng bảo thủ và luôn đề cao tình cảm gia đình dù nhiều lần phải chịu thiệt thòi. Thì Quắn lại là điển hình của một thế hệ trẻ, ưa thử thách và luôn muốn chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân mình.
Sự khác biệt giữa suy nghĩ của hai thế hệ, cùng với những mâu thuẫn với họ hàng lối xóm đã khiến mối quan hệ của ông Sang và Quắn dù không đến mức căng thẳng, nhưng cũng chẳng mấy êm đẹp. Đỉnh điểm diễn ra khi người chú út Quý trộm tiền của Quắn trong bữa tiệc tân gia của anh, nhưng không một ai tin điều đó trừ Quắn. Tất cả mọi người đều cho rằng Quắn vừa có chút tiền đã lên mặt coi thường những người trong nhà, khiến ông Sang bật khóc nức nở và quyết định dắt cô con gái nuôi về lại căn nhà nhỏ trong hẻm.
Bố già được xây dựng theo cách cắt ghép những mẩu chuyện nhỏ trong cuộc sống, mang đến cho khán giả một câu chuyện bình dị hơn là xây dựng một tác phẩm với nhiều cao trào khác nhau. Mỗi nhân vật xuất hiện dù chính hay phụ, đều có một câu chuyện riêng của mình, góp phần khiến bức tranh thêm phần sắc màu và trọn vẹn.
Khán giả có thể thấy chính mình trong Bố già, nhưng cũng có thể thấy câu chuyện của những người xung quanh. Để rồi có đôi lúc đồng cảm, đôi khi lại cảm thấy bất mãn với những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong phim. Điều này khiến Bố già dễ dàng chạm vào cảm xúc của người xem, đặc biệt là khi mâu thuẫn xuất hiện ở cuối phim.
Sau những cuộc đối thoại đầy hài hước và thú vị, là những giọt nước mắt dành cho người đàn ông đã âm thầm hi sinh tất cả cho những người mình yêu thương, bảo vệ họ bằng tất cả sức lực của ông dù bị chính con trai mình năm lần bảy lượt chỉ trích. Cuối cùng lòng tốt của ông trời cũng thấu, chỉ là thời gian của ông giống như đèn dầu dần cạn, chút sức tàn không đủ để chống lại sự thật nghiệt ngã của cuộc đời.
Bố già cho chúng ta thấy một sự thật đầy trần trụi và đau lòng, đó là chúng ta luôn dễ dàng nói lời ngon ngọt với những người lạ bên ngoài. Nhưng đối với người thân trong gia đình lại luôn thiếu thốn lời yêu thương và xin lỗi. Cuộc sống bận rộn và những thú vui bên ngoài nhiều khi đã khiến con người quên mất là mình có nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không, chúng ta ngày một trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày một già đi. Từ những người dạy bảo chúng ta mọi thứ, cha mẹ chỉ còn biết dặn chúng ta giữ gìn sức khỏe và mong ngóng những cuộc điện thoại hỏi thăm, hay những lần ghé về nhà trong chốc lát.
Bố già là một bộ phim giàu cảm xúc và thông điệp. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn còn một số hạt sạn khiến cho nhiều cảnh có cảm giác khá lê thê, ví dụ như đoạn bắt đầu phim trên nền nhạc Bigcityboi. Một số tình tiết được xây dựng khá sơ sài như làm cách nào để Quắn có thể trở thành một ngôi sao nổi tiếng, scandal của Quắn cũng đầy khiên cưỡng lại không có cách giải quyết cụ thể…. Rất may mắn là những tình tiết nhỏ đó không ảnh hưởng đến tổng thể của bộ phim, nên nhiều khán giả dễ tính có thể không để ý đến điều đó.
Bố già quy tụ được những diễn viên có nhiều kinh nghiệm diễn xuất trước ống kính và mỗi nhân vật đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ chính đến phụ. Nếu dàn diễn viên giàu thực lực như nghệ sĩ Ngọc Giàu, Lan Phương, La Thành, Lê Giang dễ dàng hóa thân vào nhân vật của mình; thì Trấn Thành và đặc biệt là Tuấn Trần cũng khiến khán giả phải thán phục bởi khả năng diễn xuất ngày càng lên tay.
Nhìn Ba Sang, chắc hẳn không ai có thể tưởng tượng ra một Trấn Thành là tay chơi hàng hiệu nổi tiếng của giới showbiz. Dáng người lù khù, lời thoại đơn giản, không đậm chất người dân lao động chân tay khác hẳn với một MC Trấn Thành hoạt ngôn và đẹp mã trên sân khấu.
Tuấn Trần cũng khiến khán giả được một phen bất ngờ lớn, khi kết hợp đầy tự nhiên và ăn ý với những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm hơn. Đặc biệt trong những màn đối đáp với ông Ba Sang, không chỉ lời thoại mà sắc thái tâm lý nhân vật đều được Tuấn Trần thể hiện rất tốt.
Trấn Thành cho biết e-kip làm phim đã tốn rất nhiều chi phí để xây dựng bối cảnh trong con hẻm nhỏ. Chính vì vậy mà mọi góc quay đều cực kỳ chân thực và ấn tượng, đặc biệt là cảnh người dân Sài Gòn ngập ngụa trong nước mỗi khi triều cường lên.
Âm nhạc của bộ phim cũng được xử lý tốt, đặc biệt là những cả khúc giàu cảm xúc của Ali Dương hay Phan Mạnh Quỳnh. Mỗi khi những ca khúc này cất lên, khán giả lại một phen rơi nước mắt vì quá xúc động.
Bố già là một tác phẩm được đầu tư chỉn chủ, chất lượng và rất đáng xem. Tính đến thời điểm hiện tại, sau một ngày ra mắt Bố giá đã thu về đến 13 tỷ đồng doanh thu (theo Boxoffice). Vậy nên đừng bỏ lỡ bộ phim này nhé.
Chúc các bạn xem phim vui vẻ và đừng quên chia sẻ góc nhìn của mình về bộ phim dưới bài viết này nhé. Những phần quà hấp dẫn của Rạp chiếu phim đã sẵn sàng để chuyển tới các bạn rồi đây.
CHƯƠNG TRÌNH COMMENT HAY - NHẬN NGAY QUÀ TẶNGRapchieuphim team
Cách chúng tôi đánh giá một bộ phim: Vũ Ngọc Đãng,
: Trấn Thành, Tuấn Trần, La Thành, NSND Ngọc Giàu,
: 128 phút
: Hài, Gia Đình,
: 12/03/21 tại Việt Nam
:
BỐ GIÀ - LÒNG VỊ THA, VÀ SỰ YÊU THƯƠNG CHÍNH LÀ TẤT CẢ
Mình vừa xem xong phim này ở CGV Landmark 81 suất 9:30 tối đêm 5/3. Mình ngay lập tức đưa ra một chút suy nghĩ của mình sau khi mình xem xong bộ phim Bố Già - bộ phim mới nhất của Trấn Thành & Vũ Ngọc Đãng đã và đang gây chấn động cực mạnh tại phòng vé trong hôm nay và sẽ còn kéo dài tới mấy ngày tới.
Nhưng trước khi mình vào chi tiết thì mình sẽ đưa ra một số cái introduction để đưa ra vài lý do vì sao Bố Già trở thành thương hiệu được săn đón nhiều nhất của Trấn Thành?
Như mình nói trước - Bố Già là một web-drama ra mắt vào cận Tết Canh Tý 2020, mỗi tập có tới 30 triệu lượt xem và con số không ngừng tăng trưởng trong những ngày giáp Tết năm ngoái.
Chính vì cái sức nóng khổng lồ của web drama trên mà ngay lập tức thương hiệu lấn sân sân khấu với một vở hài kịch có tên gọi là Lò Heo Quay tại Nhà Hát Bến Thành, và kết quả là toàn bộ các suất diễn từ mùng 1 đến mùng 6 tết đều cháy vé chỉ trong 1 nốt nhạc.
Quay lại với một cái topic mà mình muốn nói tới đó là phiên bản điện ảnh Bố Già. Ban đầu mình cảm thấy vô cùng hoài nghi khi bộ phim sẽ khó có thể thoái khỏi cái bóng web drama.
Ấy vậy mà Trấn Thành đã thay đổi nguyên tắc 180 vòng, mang đến một kịch bản mới lạ nhưng siêu gần gũi với mọi đối tượng từ già trẻ lớn bé (dù phim chỉ dành cho 13 tuổi trở lên). Bản thân anh vừa có vai trò chắp bút cho kịch bản của mình, và đạo diễn. Phim chắc chắn sẽ khó có thể xảy ra nếu không có sự giúp sức của một đạo diễn khác nữa đó là Vũ Ngọc Đãng.
- Về bối cảnh thì không quá cầu kỳ. Hết sức là đơn giản thôi, nhưng cái vibe mà bộ phim đã mang tới đã thực sự đọng chạm vào trái tim khán giả, mang một cái feeling về cái góc khác của đất Sài Gòn.
- Thứ hai là nội dung của bộ phim rất gần gũi, mang thông điệp về tình nghĩa gia đình, bà con, hàng xóm, v.v...
- Nhạc phim lồng ghép rất hay nữa nha! Cái này mình chắc nịch khẳng định với các bạn luôn, cho dù mình vẫn thích cái bài Sao Cha Không của Phan Mạnh Quỳnh.
Và tựu chung, những ai đã xem xong phim này ắt hẳn sẽ cảm thấy nhột - vì hầu như chúng ta đã từng không nghe lời cha mẹ. Mỗi khi có những sai lầm gì là chối cãi các kiểu. Tuy nhiên, nếu xét về tất cả những gì ta trải qua thì con cái, cha mẹ đều không bao giờ là hoàn hảo ở mọi phương diện. Nobody is perfect, remember that. Everyone makes mistakes. Như cách kể chuyện của Ba Sang và một đứa con bất hiếu vậy, mình coi xong, mình còn bồi hồi khoảng thời gian mình gặp những biến cố trước đây.Tất cả mỗi người đều sẽ có những khuyết điểm trong cuộc sống, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, điều mà chúng ta thực sự CẦN đó chính là sự yêu thương, vị tha và lòng tin.
Trong phim Bố Già mình còn liên tưởng tới một ca khúc thiếu nhi Bố Là Tất Cả - hoàn toàn không bao giờ sai khi nói về người đấng sinh thành của mình.
Mình còn nhớ cái hoàn cảnh gần 11 năm về trước khi đã mất đi ông ngoại và bà ngoại của mình, cũng là những người máu mũ của mình, và sáng nào dậy là mình sẽ thắp hương cầu nguyện cho ông bà của mình.
Hiện giờ mình vẫn còn dì và người mẹ đã từng mang thai và chịu khổ suốt bao năm nay để nuôi mình khôn lớn và dạy dỗ từng cái một.
Nên nhớ, trên đời này ba mẹ chính là những người luôn hỗ trợ và yêu thương vô điều kiện. Hãy yêu thương họ khi còn có thể, vì đôi lúc chúng ta có quá nhiều thời gian nhưng bố mẹ thì không.
Bố Già chính là một thông điệp gần gũi với những gì đã xảy ra trong cuộc sống chúng ta, cũng như lên án về những mặt tối của xã hội như vay nặng lãi, xóm trọ có cái thói “lo chuyện bao đồng”,… v.v... Thực sự rất là respect anh Trấn Thành vì có một bộ phim mang đề tài chung với hoàn cảnh của mỗi người như vậy.
Trên đây là những suy nghĩ của mình, còn về đánh giá chủ quan thì mình sẽ cho 9/10 điểm. Đây là bộ phim thuộc dạng must-see nhé mọi người!
Bố Già: Tham lam tình tiết, xung đột gượng ép, thông điệp máy móc - là những điểm yếu kéo tụt cảm xúc.
Thừa thắng xông lên trước thành công vang dội, kỷ lục nối tiếp kỷ lục của web drama. Trấn Thành trên cương vị nhà sản suất và đồng đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng, sau hơn 1 tháng quay và 2 tháng hậu kỳ khá thần tốc, trước mắt đã phát hành cực thành công phiên bản điện ảnh của Bố Già. Mặc dù có thay đổi bối cảnh, diễn viên, tinh thần của phim thì có lẽ vẫn vậy không cần phải giới thiệu dài dòng.
“Bố Già” điện ảnh “chạm” đến trái tim của phần đông khán giả là điều khỏi bàn cãi, nhưng cái chạm ấy với mình chưa thực sự đủ mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng mà phim sẵn có. Thậm chí, có thể nhận xét như một bước hụt chân về cảm xúc so với phiên bản web drama.
Quá tham lam mảng miếng gây cười, là điểm trừ nặng xuyên suốt thời lượng của bộ phim. Các miếng hài xuất hiện liên tục, chen chúc, tuy nhiên lại không quá mới (tùy trải nghiệm mỗi khán giả) khiến hồi 1 và hồi 2 của phim trở nên dài dòng, lê thê đối với mình. Hơn nữa, với tần suất xuất hiện dày đặc như vậy, lại thiếu đi sự điều tiết của âm nhạc, làm cho nhịp độ (tempo/pacing) của bộ phim vì thế mà trở nên đều tắp, phẳng lì. Cảm xúc vì thế mà dễ dàng trôi tuột, khó đọng lại được bất kỳ điều gì.
Càng tham lam hơn khi các miếng hài bất chợt xuất hiện giữa những phân đoạn cao trào, thắt nút, cởi nút, một cách thiếu tiết chế. Dẫn đến diễn biến tâm lý nhân vật chưa thể hiện được chiều sâu, cú chốt hạ màn gần cuối phim không còn bất ngờ, không đạt hiệu quả tốt nhất, mình đã không phì cười trong nước mắt như cách mà web drama làm được.
Thay đổi đáng kể nhất của Bố Già so với bản web drama là xung đột trong phim đã bị “gián tiếp” hóa, qua sự có mặt của họ hàng. Với cách thể hiện mới ấy, xung đột của Bố Già điện ảnh trở nên bị động, vì đó việc triển khai xung đột có phần sắp đặt, gượng ép.
Rõ nhất là sự gàn dở đến khó chấp nhận của ông Sáng, nhất nhất theo ý mình chẳng màng đến suy nghĩ của con ông. Tiếp đến, là những màn trả treo, lời qua tiếng lại của Quắn với bố già. Và thế là, nút thắt dễ dàng được gỡ bỏ như mọi lần, chỉ cần qua một cuộc cãi vã. Diễn biến tâm lý đầu phim vì vậy không còn sự liền mạch, chuyển biến, tăng tiến, diễn xuất vì thế chưa thể gọi là tốt. Mối liên kết tình cảm cha con cũng chưa thực sự rõ nét, đem lại cảm giác lấn cấn khó tiếp nhận.
Bấy nhiêu đó thôi, thực sự khiến mình có đôi lúc cảm thấy annoy, nhạt nhẽo mà ngáp dài.
Tuy nhiên, khi đến hồi 3, Bố Già đã đưa khán giả đến một cao trào đủ sáng tạo và xử lý nó một cách mượt mà, lấy đi những giọt nước mắt nghẹn ngào.
Vượt ra khỏi tuyến nhân vật chính, dàn diễn viên phụ của phim thật sự chất lượng. Những cá tính riêng biệt được khắc họa rõ nét, đem đến một không khí sáng lạn vui tươi cho cả bộ phim. Đặc biệt phải kể đến sự duyên dáng của nhân vật Cẩm Lệ...
“Xin lỗi cha mẹ khó lắm, còn nếu mà nói được nó dễ thương lắm luôn!”
“Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không. Hãy dành thời gian cho những người thương yêu nhất.”
Thông điệp của bộ phim dễ dàng được tìm thấy trên màn ảnh, nhưng có gì đó máy móc, cũ kỹ, chưa thực sự sát với mạch phim. Nhìn lại suốt chiều dài Bố Già, bi kịch đã chẳng xảy ra nếu ông Sang chịu lắng nghe, chịu thấu hiểu con mình. Cả 2 người họ đã có thể chẳng làm tổn thương nhau nhiều như thế.
Xin lỗi cha mẹ khó lắm, nhưng lời xin lỗi từ mẹ cha cũng khó vô cùng. Và bởi vì khó, giá trị nhân văn, công năng của nó cũng vô cùng to lớn. Vì thế đừng mặc định lời xin lỗi ấy phải từ một phía nào.
BỐ GIÀ: Gần gũi đến khó tả......
Bố Già phiên bản điện ảnh là phim có kịch bản độc lập, không nối tiếp câu chuyện của Bố Già Web Drama nha mọi người, chỉ là đặt cùng tên thôi nên ai chưa xem phim tập trên Youtube thì cũng đừng ngại về việc không hiểu phim.
• NỘI DUNG & ĐÁNH GIÁ PHIM:
Phim được lấy bối cảnh trong một con hẻm ở Sài Gòn, câu chuyện của phim kể về gia đình có 4 anh chị em có tên là: Giàu, Sang, Phú, Quý. Và câu chuyện chính nói Ba Sang cùng với đó là con trai tên là Quắn. Tất cả thành viên trong gia đình đều có lối sống khác nhau, thu nhập khác nhau nên liên tục cãi vả và bất đồng quan điểm với Ba Sang.... và sau đó...
Lấy đề tài về gia đình thì chưa bao giờ là cũ. Nội dung của phim dù đơn giản nhưng được tận dụng tối đa sự giản này, câu chuyện hấp dẫn và tái hiện chân thật nên chạm được đến cảm xúc của người xem, chúng ta đồng cảm và cảm thông từng nhân vật vì đâu đó lại thấy người thân mình trong đó, kể cả chính mình trong đó. Mang đến nhiều cảm xúc, buồn vui có đủ, tình tiết hài hước duyên dáng đến 1 cách tự nhiên và có tiết chế nên vừa phải không lố, còn buồn thì cũng buồn miên man luôn, chắc chắn sẽ lấy được nước mắt có nhiều khán giả. Phim cũng có chi tiết thừa và có thể bỏ đi thì cũng không ảnh hưởng gì đến tổng thể của phim đâu. Nữa sau của phim lại hơi lòng vòng khi không tập trung giải quyết nút thắt, coi vậy chứ nút thắt dễ đoán lại nhưng khó đoán. Thiết kế bối cảnh trong con hẻm ở Sài Gòn nhìn gần gũi. Còn xây dưng nhân vật thì rất quen thuộc, chúng ta có bắt gặp cái kiểu người có tính khác nhau tại trong xóm tại khu mình sống. Được chọn lọc tốt, câu thoại đậm chất Đời, nghe từng câu mà thấm thía.
Nhân vật Ba con: Sang và Quắn bề ngoài thì toàn nạt nộ và ăn nói chuyện thô lỗ với nhau, nhưng bên trong thì ba lại lo cho từng miếng ăn giấc ngủ, còn con thì không tiếc tiền mua cho ba quần áo mới, muốn ba đổi nơi ở tốn hơn. Những tình cảm từ bên trong ấy sẽ khiến người xem dần hài lòng về cái kết phim hơn. Đối chiếu với hình ảnh đó thì chúng ta thấy được mình trong đó chứ nhỉ? Phần lớn luôn ấy, được lại mấy ai nói chuyện với ba mẹ một cách ngoan ngoãn đâu, nhưng trong thâm tâm này mắc gì lại không dám nói mấy câu mật ngọt vậy? Xin lỗi ai chứ xin lỗi ba mẹ chưa bao giờ là thừa cả.... Trường hợp của mình với ba cũng gần giống như vậy, khi xem xong khiến mình ray rứt mãi trong lòng.
• DIỄN XUẤT:
Để mang cho người xem cười nhiều, khóc nhiều thì diễn xuất tốt mới làm được điều đó. Ông Bố Già Trấn Thành có diễn xuất đỉnh nhất trong phim. Lột tả được nội tâm của một ông bố tốt bụng nhưng lại chưa theo hiện đại thường trái ngược với mọi người, nhân vật nặng về mặt tâm lý, nội tâm thay đổi tiên tục nhưng không hề là khó được anh, hoàn thành trọn vẹn trong từng phân đoạn, giúp khán giả cảm nhận được hết những suy nghỉ và buồn vui của nhân vật này.
Tuấn Trần: trong buổi bọp báo thì Tuần Trần có chia sẻ là anh Trấn thành giúp hổ trợ rất nhiều trong diễn xuất rất nhiều. Vì thế, diễn xuất trong phần lần cải tiến vượt bật, không bị lép vế so với các diễn viên dày dặn kinh nghiệm khác, nhập tâm hơn trong vai diễn, câu từ cực kỳ cảm xúc. Mình cũng rớt nước mắt khi nhân vật này khóc.
Những gương mặt khác như: Má Ngọc Giàu, Lê Giang, Lan Phương, Hoàng Mèo, La Thành...v.v.v. thì họ đều có sự duyên dáng riêng, ai cũng có kinh nghiệm trong diễn xuất hết nên những vai diễn này không làm khó được các diễn của chúng ta.
• HÌNH ẢNH & ÂM THANH:
Vừa vào phim có cảnh quay giới thiệu sơ lược về các nhân vật trong xóm lao động nghèo, và được quay cú máy One Shot rất ấn tượng, tiêu tốn cả tỷ đồng chỉ trong vòng 2 phút. Những cảnh quay khác cũng được chuẩn bị kỳ công nên có những thước phim đầy tính nghệ thuật, dù chỉ quay những cảnh đơn giản ở Sài Gòn thôi nhưng cũng quá đẹp rồi, màu phim lấy tone vàng nhìn ấm áp như tình ba con của nhân vật vậy. Trang phục cũng được chọn kỹ càng, nhìn cũng quen thuộc.....
Không chỉ kịch bản và diễn xuất mới khơi dậy được cảm xúc của khán giả, mà thêm nữa là 2 bài hát được trình bày bởi ca sĩ Ali Hoàng Dương và Phan Mạnh Quỳnh cũng góp phần không nhỏ. Nhất là câu Phan Mạnh Quỳnh hát: Vì sao cha ơi? Chẳng kể con nghe, điều cha tiếc nuối, từ chôn giấu khi đã quên đam mê đời mình........... Nhiêu đó thôi cũng đã đủ làm mình nỗi da gà và nhói trong lòng, muốn chạy về nhà ông vào lòng của ba thôi.
.......................
Phim vẫn còn nhược điểm nhất định, nhưng không phủ nhận được đây là bộ phim hay, sẽ mang đến rất nhiều cảm xúc. Thông điệp rất đắc giá về gia đình, không phải phim nào cũng mang được cảm xúc trọn vẹn như vậy đâu, khi xem xong sẽ khiến chúng ta suy nghỉ rất nhiều. Nếu có thể thì hãy mời ba mẹ mình đi xem các bạn nhá, chắc chắn xem xong ôm nhau mà khóc thôi, sau đó biết đâu sẽ hiểu nhau hơn, nói ra những điều bao năm rồi chưa nói được..... 8.5/10 điểm.
Bố Già - Gia Đình Vẫn Là Điều Tuyệt Vời Nhất.
Bố Già phiên bản điện ảnh là tác phẩm mở rộng từ web drama cùng tên vô cùng nổi tiếng của chàng MC, diễn viên Trấn Thành. Với nội dung vừa gần gũi, thông minh, vừa hài hước nhưng cũng đầy cảm động, các tập phim trên Youtube của anh đều đạt hàng trăm triệu lượt xem và thậm chí đạt xu hướng xem nhiều nhất (top trending) trong nhiều ngày liền.
Bố Già lấy bối cảnh tại một xóm lao động nghèo ở Sài Gòn với đại gia đình Giàu, Sang, Phú, Quý sống liền kề bên nhau. Bộ phim tập trung vào mối quan hệ của Ba Sang (do Trấn Thành thủ vai) và người con trai cả là Quắn (do Tuấn Trần thủ vai). Cả hai rất thương yêu nhau nhưng khoảng cách thế hệ khiến họ luôn cãi vã và vô tình tổn thương lẫn nhau. Bên cạnh đó, tác phẩm còn khai thác những mâu thuẫn hàng ngày tồn tại giữa anh chị em Ba Sang. Liệu những gánh nặng cơm áo gạo tiền có làm họ xa cách hay tình thân sẽ mang họ đến gần bên nhau?
Để mở rộng câu chuyện từ web drama, Trấn Thành đã hợp tác với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và biên kịch Nhi Bùi. Nội dung phim vẫn rất đời và gần gũi. Nhà làm phim như mong muốn mang đến khán giả những hình ảnh đang xảy ra hàng ngày trong cuộc sống đời thường. Bộ phim vì thế không hề duy mỹ, xa hoa mà lại mộc mạc, bình dị đến lạ thường. Thông điệp phim cũng nhắm đến tình cảm gia đình và trên hết là tình phụ tử. Khi xem tác phẩm, chúng ta sẽ phải nhìn nhận về nội tại trong chính bản thân mình. Liệu rằng những người con như chúng ta có xứng đáng với sự hy sinh và tình cảm yêu thương của ba mẹ mình hay không? Không phải tự nhiên mà ông bà ta có câu: "Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày". Tình thân vẫn mãi là tình cảm cao quý nhất của con người. Và chúng ta nên sống sao cho xứng đáng với công ơn của ba mẹ mình. Bộ phim đã làm rất tốt khi mang đến cảm xúc bùng nổ cho khán giả.
Người mang đến thành công nhất cho Bố Già chắc chắn là Trấn Thành. Anh vừa là đồng đạo diễn, nhà sản xuất và cũng là diễn viên chính. Thậm chí, phần kịch bản và âm nhạc của phim cũng có sự tham gia của anh. Trấn Thành quả thật là một người rất đa tài và anh rất tâm huyết với dự án này. Trấn Thành là người đa sầu đa cảm và anh đã mang sự yêu thương của mình để nhằm mang đến một bộ phim chất lượng và mang tính giáo dục. Các diễn viên khác như Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu, Lê Giang, Tuấn Trần, Lan Phương, Quốc Khánh, bé Ngân Chi... đều hóa thân tốt tạo nên một bức tranh gia đình nhiều màu sắc, đầy mâu thuẫn chua chát nhưng cũng lắm thân thương. Đặc biệt, Tuấn Trần vào vai người con trai dù rất yêu thương cha nhưng thể hiện sai cách quá tốt. Khán giả ắt hẳn sẽ nhìn thấy mình đâu đó trong nhân vật này khi trong cuộc sống đôi khi chúng ta vô tình tổn thương người thân mặc dù rất yêu quý họ.
Để đem đến một bộ phim chân thật nhất, như Trấn Thành đã chia sẻ, anh đã đầu tư cả một khu phố lao động nghèo và bơm ngập nước để tạo nên cảnh đường phố ngập khi thủy triều lên. Nhà sản xuất còn "chịu chơi" để thực hiện một cú quay "one shot" với sự tham gia của hơn 100 diễn viên quần chúng. Chỉ một cảnh quay hai phút trong phim này thôi đã tốn hết 1 tỷ đồng với 100 giờ quay ngoài thực tế. Điều này nói lên Trấn Thành hoàn toàn tâm huyết và mong muốn mang đến một tác phẩm chỉn chu và đầu tư nhất. Âm nhạc trong phim cũng rất hay và phù hợp chủ đề của phim với hai bài hát Cha Già Rồi Đúng Không và Sao Cha Không góp phần lấy nước mắt khán giả.
Nhìn chung, Bố Già là bộ phim gia đình đầy cảm xúc với câu chuyện chân thực, cảm động cùng dàn diễn viên nội lực.
Tác phẩm mới hiện tại đang chiếu sớm từ ngày 6.3 đến 8.3.2021 và sẽ ra mắt chính thức tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc từ ngày 12.3.2021.